Bộ GD-ĐT trả lời thắc mắc nóng về những thông tin xung quanh dự thảo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia vừa được công bố chiều 18/12. Một thông tin đặc biệt là Bộ chủ trương sử dụng thang điểm 20 để đáp ứng yêu cầu phân hóa cao kết quả thi.

{keywords}
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) giới thiệu các nội dung của dự thảo. Ảnh: Văn Chung

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Để đạt được mục đích nói trên thì yêu cầu phân hóa trình độ của thí sinh được phản ánh qua kết quả các môn thi trong kỳ thi phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với các kỳ thi riêng biệt như những năm trước (kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ).

Để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường khá đa dạng như hiện nay thì kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao. Để có độ phân hóa cao, chất lượng đề thi đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời công tác coi thi, chấm thi cũng là những yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh.

Do vậy, việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Với các lý do nói trên, Bộ GDĐT chủ trương sử dụng thang điểm 20 trong kỳ thi THPT quốc gia.

Ông Trinh cho biết thêm: Chính vì việc nâng thang điểm quy đổi của các môn từ 10 lên 20 nên ngưỡng tối thiểu điểm liệt của thí sinh sẽ nâng từ 1 điểm trở xuống lên thành 2 điểm trở xuống, điểm ưu tiên tối đa xét tốt nghiệp THPT là 4 nay tăng lên là 8 điểm. 

Về việc một số trường ĐH-CĐ đã công bố đề án tuyển sinh với thang điểm 10 cho từng môn có gặp khó khăn gì với quy đổi điểm mới lần này, Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết các trường chỉ cần nhân hệ số 2 lên với mỗi môn cho phù hợp.

  • Văn Chung