Các DN nước giải khát đang không tiếc tay chi hàng chục triệu USD vào các nhà máy mới từ Nam ra Bắc và tung ra sản phẩm mới nhằm giành được thị phần trong thị trường NGK Việt Nam trị giá hàng tỷ USD 

Cuộc đua khốc liệt giành thị phần 

Mới đây nhất, Công ty TNHH Hoà Bình đã ký hợp đồng vay 327 tỷ đồng từ Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Bắc Ninh để mua dây chuyền máy móc cho nhà máy sản xuất bia và nước ngọt tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 850 tỷ đồng, được thiết kế với công suất 150 triệu lít nước ngọt, 20 triệu lít bia và 100 triệu lít nước tinh khiết/năm. 

{keywords}

Đặc biệt, đây sẽ là nhà máy đầu tiên của một DN Việt Nam sản xuất nước ngọt có gas, một phân khúc hiện nay đang bị khống chế bởi Coca Cola và Suntory PepsiCo. 

Ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoà Bình, cho biết, nhà máy sẽ nhập dây chuyền sản xuất tiên tiến nhất và mới thế giới từ hãng Krones (Đức) mã chưa có hãng nào trên thế giới sử dụng. Nhà máy sẽ cho ra lò sản phẩm đầu tiên vào cuối năm nay. 

Trong khi đó, nhiều DN khác cũng đang mạnh tay rót vốn vào lĩnh vực này. Tháng 8/2014 ở Hà Nam, một nhà máy công suất 300 triệu lít/năm khánh thành giai đoạn I. Nhà máy này sẽ được đầu tư giai đoạn 2, sao cho đến 2018 sao cho tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 1.780 tỷ đồng. Trong khi đó, 2 nhà máy khác của doanh nghiệp này đang được xây ở Hậu Giang và Quảng Nam. 

Một “người khổng lồ” khác, thậm chí không đầu tư nhà máy mới, mà lại thực hiện chiến lược thâu tóm các DN hiện có để tấn công vào lĩnh vực nước giải khát. Cụ thể: mua lại Nhà máy bia Phú Yên, nắm quyền kiểm soất Vinacafe Biên Hoà và Nước khoáng Vĩnh Hảo. 

Các DN nước ngoài cũng tăng tốc đầu tư. Coca Cola tuyên bố đầu tư 300 triệu USD vào thị trường Việt Nam, còn Pepsi chi 120 triệu USD xây 2 nhà máy mới. Công ty Uni-President (Đài Loan) thì thâu tóm Tribeco trong khi Kirin Holdings (Nhật Bản) mua lại Interfoods - công ty sở hữu thương hiệu trà bí đao Wonderfarm. 

Cơ hội mở ở thị trường NGK Việt Nam 

Theo Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietinbank, ngành nước giải khát không cồn tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới. Mức tiêu thụ nước giải khát không cồn bình quân theo đầu người vẫn còn ở mức thấp (23 lít/người/năm) trong khi mức trung bình trên toàn thế giới là 40 lít/người/năm. 

Tổ chức nghiên cứu BMI dự báo, lượng tiêu thụ nước không cồn sẽ tăng lên 2,7 tỷ lít vào năm 2017, tương ứng với tốc độ tăng trung bình 7%/năm. Đồng thời, doanh thu nước giải khát cũng được dự báo đạt mức tăng trung bình 14,2%/năm, hướng tới mốc 137.000 tỷ vào năm 2017. 

{keywords}

Còn theo Vietnam Report, ngành đồ uống và thực phẩm nói chung luôn nằm trong danh sách 5 nhóm sản xuất có tỷ suất sinh lời lớn nhất cả nước với ROA khoảng 15% và ROE gần 43%. 

Sức hấp dẫn của thị trường này đã đẩy cạnh tranh lên đỉnh điểm khi các DN liên tục đầu tư mở rộng sản xuất. Và cơ hội luôn mở, ngay cả với những “tân binh” nếu có vốn đầu tư cùng chiến lược kinh doanh bài bản và kỹ lưỡng. 

Như ông Đường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoà Bình khẳng định, thương hiệu nước ngọt V+ do công ty sản xuất sẵn sàng cạnh tranh với các “ông lớn” NGK nhờ dây chuyền sản xuất tân tiến nhất thế giới, chất lượng sản phẩm sẽ không thua kém gì các thương hiệu ngoại. 

Quan trọng hơn, nước ngọt có gas V+ sẽ có mức giá thấp hơn 1/3 so với các sản phẩm của các DN nước ngoài, và ông Đường tin rằng, với giá thấp như vậy thì sản phẩm V+ sẽ được người tiêu dùng lựa chọn. 

Sự tự tin của một DN trong nước như Hoà Bình không phải không có cơ sở bởi thực tế đã có nhiều minh chứng cho thấy, nếu đi đúng thị trường ngách, đánh trúng thị hiếu người tiêu dùng thì DN Việt sẽ hề “thấp điểm” hơn với những thương hiệu NGK có vốn đầu tư nước ngoài. 

Thanh Loan