Cookin' Nanta có thể nói là một trong những show diễn 'không lời' thú vị và đáng xem nhất khi bạn tới Seoul, Hàn Quốc. 

Đến Seoul, ngoài việc thăm thú các di sản, cung điện trong thành phố, thưởng thức ẩm thực và đi mua sắm thì một trong những cái thú chính là đến các nhà hát thưởng thức những show diễn 'đặc sản' không lời. 

Cùng với The Painter Hero, Cookin' Nanta là một trong những show diễn thú vị nhất thu hút không chỉ khán giả nước ngoài mà còn hấp dẫn cả người dân trong nước. Đều đặn mỗi ngày 2 suất diễn trong một nhà hát nhỏ nằm giữa một con phố sầm uất, suốt từ năm 1997 đến nay, Cookin' Nanta đã thu hút hàng triệu khán giả với một chương trình cực kỳ hấp dẫn.

{keywords}

Lần đầu xem biểu diễn Nanta năm 2016 ở Hà Nội và lần này là ở Seoul, ấn tượng của tôi về show diễn chủ đề nhà bếp này thậm chí còn mạnh hơn bởi sự biểu diễn tận lực của các nghệ sĩ. 

Hiếm thấy một chương trình nào mà chỉ với 1 kịch bản, diễn suốt 20 năm mà vẫn kín khán phòng. Khán giả từ già đến trẻ đều phấn khích cực kỳ suốt 90 phút. 50 đô la cho một show diễn, với Việt Nam là đắt nhưng với những gì mà các nghệ sĩ đã trình diễn trên sân khấu chuyên nghiệp và tốn sức như thế thì 1 triệu đồng là xứng đáng. 

{keywords}

Trên sân khấu chỉ có 5 nghệ sĩ thay nhau tung hứng, duyên dáng vô cùng. Nồi niêu xoong chảo, dao thớt, rau củ..., tóm lại là tất tật những gì có thể thấy trong bếp đều trở thành đạo cụ trên sân khấu. Không chỉ là những đầu bếp thực thụ, họ còn là nghệ sĩ xiếc, ảo thuật gia, nghệ sĩ opera, thậm chí vận động viên taekwondo... với khả năng biến hoá tuyệt vời.

Suốt 90 phút biểu diễn, khán phòng gần như lúc nào cũng vang lên tiếng cười, những tràng pháo tay và những tiếng ồ lên thích thú của khán giả bởi sự hài hước và khả năng trình diễn vô cùng thu hút của các nghệ sĩ. Không chỉ thể hiện tài năng trong căn bếp sân khấu, các nghệ sĩ Nanta còn thường xuyên giao lưu với khán giả phía dưới rất chuyên nghiệp và gần gũi. 

{keywords}

Mặc dù là show diễn không lời nhưng người xem vẫn cảm nhận được văn hóa và tinh thần Hàn Quốc từ đạo cụ trên sân khấu là những thùng ghi chữ kimchi cực lớn đến lối biểu diễn của các nghệ sĩ. Khán giả cảm nhận được tâm huyết của họ, những giọt mồ hôi lao động thực sự đã rơi để cống hiến cho khán giả một buổi diễn thực sự đáng xem. Có thứ gì quảng bá cho văn hoá của một quốc gia lại thú vị như thế. 

B.Hạnh