Thơ trẻ quanh quẩn yêu đương là điều tất yếu
Con số nhà thơ trẻ tham gia Hội nghị văn trẻ toàn quốc năm 2011 chiếm đa số trong hơn 100 người tham gia. Song chắc chắn con số đó cũng chưa phải là tất cả. Chắc chắn vẫn còn những “long tàng, hổ phục” ở đâu đó, mà chúng ta chưa biết đến, hoặc chính bản thân họ cũng chưa muốn xuất đầu lộ diện. Thơ trẻ mấy năm gần đây đã bắt đầu rạo rực, những tên tuổi rất trẻ bứt phá lên một cách lạ lùng như những thần đồng, đó là Đặng Chân Nhân, Ngô Gia Thiên An… Bởi thế khi mà mặt bằng thơ bắt đầu lên, bắt đầu tốt thì sớm hay muộn cũng sẽ có những đỉnh cao.
Nhà thơ Đỗ Doãn Phương (phải). Ảnh Nguyễn Đình Toán |
Tại Hội nghị văn trẻ 2011, nhà thơ Hữu Thỉnh có một bài phát biểu nêu lên tình trạng văn trẻ là “thêu thùa” cho cá nhân thì nhiều, còn “may vá” cho xã hội thì ít. Câu nói hình tượng ấy cũng giống như nhiều người nhận xét thơ trẻ hiện nay cũng chỉ quanh quẩn với chuyện yêu đương xác thịt nhăng nhít. Nhưng tôi cho rằng, tình trạng thơ trẻ có “quẩn quanh với chuyện yêu đương, xác thịt nhăng nhít” cũng là điều tất yếu, không có gì phải lo lắng hay báo động. Bởi đó chính là một quá trình tất yếu của con người từ tuổi thiếu niên thơ ngây bước vào tuổi thanh niên đầy ham hố.
Người cầm bút cũng không phải là ngoại lệ. Những người cầm bút bao giờ cũng bắt đầu viết từ đời sống cá nhân mình. Khi mình trẻ, cái cá nhân mình thường che lấp cả thế giới. Chỉ có ta và nàng, còn tất cả là chúng nó. Nhưng cùng với thời gian mình sẽ dần hiểu ra rằng, chẳng những mình chỉ là một phần rất nhỏ bé của cuộc đời này thôi, mà thậm chí không có mình, mặt trời vẫn lên, bầu trời vẫn xanh. Để bám vào cuộc sống diệu kỳ này và yêu nó thật khó nhọc làm sao. Chừng nào chưa ngộ ra điều đó, thì người ta mãi còn “trẻ người non dạ” hay vẫn là “những đứa trẻ lớn xác”. Khi đọc một bài thơ còn gào thét cho những bất hạnh riêng tư của cá nhân, tôi chỉ thấy thương thay cho người viết, còn “u mê” trong cái tôi bé nhỏ của mình.
Thi ca trước hết thuần túy là cái đẹp của cảm xúc, cái hay của ngôn từ. Mỗi thời đại có những vấn đề riêng. Trách nhiệm của nhà thơ là qua tác phẩm mình đã làm bạn đọc yêu ngôn ngữ và sống đẹp hơn.
Nhà thơ Nguyệt Phạm: Quan niệm những bài thơ yêu đương, xác thịt là nhăng nhít, thiếu ý nghĩa, trách nhiệm xã hội… là ngạo mạn và lạc hậu . Thời nào, thế hệ nào cũng cần phải yêu và làm tình đấy thôi. Vậy làm sao quy kết “nhăng nhít” được? |
Sẽ quá tuyệt vời nếu như các nhà thơ trẻ thực sự đào sâu vào cái tôi cá nhân (hiểu theo nghĩa là đào sâu vào bản thể của mình, chứ không phải đào sâu vào những bất hạnh hay nhu cầu riêng tư), đồng thời lại có tham vọng tìm kiếm các giá trị mới và bỏ rơi độc giả. Nếu thế thì chẳng những nhà thơ trẻ sẽ đắc đạo mà độc giả cũng được nâng lên một trình độ thẩm mỹ mới.
Nhưng người ta thường hiểu nhầm giữa một người cô đơn, độc hành đi đến tận cùng của sáng tạo và hoàn toàn không chạy theo độc giả với những người làm thơ quẩn quanh, tắc tị, phá phách, hoặc chạy theo thị hiếu vật dục tầm thường mà thiếu tôn trọng người đọc chân chính. Chỉ có thể phân biệt bằng cách thẩm định tác phẩm thôi.
Các nhà thơ tên tuổi có thể đặt một quầy bán thơ và ký tặng độc giả ngay tại Văn Miếu thì tôi chỉ hy vọng 10-20 năm nữa khi tên tuổi của một ai đó trong số dàn đồng ca thơ trẻ hôm nay, cao vọt lên như một tượng đài mới có thể làm một quầy ký và bán thơ ngay tại Văn Miếu, ít nhất là trong khuôn khổ ngày thơ.
Thơ trẻ rất cần giới phê bình
Sự nở rộ của những sân chơi thơ, từ sách báo, tạp chí đến web, blog là môi trường hữu ích cho sáng tạo. Phải có nhiều sân chơi thì mới có nhiều cơ hội phát hiện anh tài, cũng như phải có bầu trời cao rộng thì mới tìm được những ngôi sao thực sự toả sáng. Còn những ai dễ dàng thoả mãn hay bị ảo tưởng bởi ánh hào quang giả trên blog, web thì cũng không đáng để đi tiếp đâu.
Khi sân chơi bung ra như thế thì rất cần sự chỉ dẫn của giới phê bình, để hướng dẫn người đọc nhận ra những giá trị tốt, và cũng để cảnh báo cho người sáng tác về những nguy cơ..
|
Tình Lê (ghi)