
Thời hạn quyết định có tham gia hay không thỏa thuận này chỉ còn hơn 1 tháng (4/9/2009), trong khi đó nhiều tác giả vẫn lúng túng. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
Thời gian qua, tôi cũng nhận được những e ngại của các tác giả VN. Có người băn khoăn nếu không tham gia sẽ bị gỡ bỏ tên và tác phẩm ra khỏi Google thì mất đi cơ hội quảng bá, giới thiệu tác phẩm với công chúng. Tôi xin khẳng định, chúng ta không mất đi cơ hội đó. Thư viện của Google là nguồn để bộ máy tra cứu của Google hoạt động, chứ không phải vì có thư viện đó mà Google có thể cắt tất cả các nguồn khác. Về mặt kỹ thuật, tôi tin “đại gia” Google dù lớn tới đâu cũng không thể nào ngăn chặn tất cả nguồn thông tin ở nước này hay nước khác có nói đến tác phẩm, tác giả đã bị gỡ bỏ ra khỏi hệ thống thư viện Google. Chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm rằng nay mai vào Google tra cứu vẫn có được số liệu trên cơ sở báo chí, tài liệu khác công bố mà không bị mất đi.
![]() |
Luật sư Đỗ Khắc Chiến |
Cũng có người lo lắng nếu tham gia thỏa thuận, đồng nghĩa với việc mất hết quyền sử dụng tác phẩm. Không phải vậy, việc chúng ta cho phép Google sử dụng là cho phép không độc quyền, nghĩa là Google có quyền số hóa còn tất cả những việc khác liên quan đến tác phẩm thì tác giả và NXB được ủy quyền có thể làm và được quyền làm. Thậm chí, trong văn bản thỏa thuận còn nêu chúng ta cũng có quyền mở thư viện cạnh tranh trực tiếp với Google. Thỏa thuận cũng nêu rõ, chúng ta có quyền yêu cầu những tác phẩm được số hóa trong thư viện của Google được hiển thị toàn bộ nội dung hay chỉ thư mục hoặc một vài dòng. Song tôi nghĩ, chẳng tội gì mà không cho sử dụng vì mục đích cuối cùng của người viết là đưa tác phẩm của mình đến với độc giả.
Có những băn khoăn, nghi ngại và cả hiểu nhầm là do các tác giả chưa được hướng dẫn một cách cụ thể, ngọn nguồn đầu đuôi sự việc. Tiếc là những người có quyền lợi liên quan lại không kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để được giúp đỡ, cứ tự mình chạy ngược chạy xuôi gây nên sự lúng túng, lộn xộn.
Khi tham gia thỏa thuận, các tác giả Việt Nam sẽ được gì và mất gì, thưa ông?
Nếu tham gia, trước mắt phía Google sẽ phải trả cho những tác giả, NXB có quyền tác giả trên thế giới mà Google đã số hóa tác phẩm của họ từ 5/5/2005 đến 5/1/2009 số tiền là 45 triệu USD. Cụ thể, 60 USD/đầu sách, 15 USD/phụ trang hoàn chỉnh, 5 USD/trích dẫn. Về lý thuyết, nếu ít người đòi hỏi quyền lợi, số tiền bồi thường không đến 45 triệu USD thì tỷ lệ chia sẽ tăng lên, kịch trần là nhân lên 5 lần, còn nếu thiếu Google cam kết bù thêm để trả đủ mức 60 - 15 - 5. Ngoài ra, đối với những tác phẩm đã số hóa, sau ngày 5/4/2011, chúng ta vẫn có quyền yêu cầu Google gỡ bỏ ra khỏi thư viện. Còn nếu không, Google có quyền khai thác và sử dụng tác phẩm trên mạng, trên hệ thống tra cứu. Khi đó, 63% của tiền thu nhập do việc bán quyền sử dụng tác phẩm sẽ hoàn trả lại cho chúng ta. Và nếu tiếp tục có nhu cầu số hóa những tác phẩm tiếp theo, các tác giả, NXB có quyền tác giả sẽ được nhận từ 200 - 300 USD cho một tác phẩm thay vì 60 USD như bây giờ. Bên cạnh đó, mỗi tác giả còn nhận được một bảng số hóa của Google để có thể đưa lên trang web cá nhân như món quà biếu.
Ngược lại, chúng ta phải “đánh đổi”, hy sinh một số quyền lợi. Khi đã đồng ý tham gia vào vụ thỏa thuận tập thể, sau khi tòa án thụ lý sẽ không có quyền khởi kiện nữa, lúc này Google cũng không có trách nhiệm liên quan. Hơn thế, Google có toàn quyền gỡ bỏ tên tác giả, tác phẩm, NXB ra khỏi kho dữ liệu của mình.
Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực bản quyền, ông có thể đưa lời khuyên nào cho các tác giả Việt Nam?
Tôi nghĩ chúng ta nên tham gia thỏa thuận cùng các nguyên đơn. Còn tham gia như thế nào thì lại là vấn đề hoàn toàn khác. Đây là việc hoàn toàn tự nguyện, ai có quyền lợi đều có thể tự làm vì tất cả được công khai minh bạch trên webite (http://www.googlebooksettlement. com/r/home?hl=vi&cfe_set _lang=1).
Nhưng tất cả mọi người có nên “tự thân vận động”, “mạnh ai nấy làm” trong khi thời gian không còn nhiều? Theo kinh nghiệm bản thân tôi cũng như kinh nghiệm các nước khác, để thành công chúng ta nên có hành động tập thể. Các tác giả liên quan có thể ủy quyền cho tổ chức đại diện cho số đông tác giả với những kinh nghiệm, quan hệ quốc tế sẵn có. Hoặc có thể là 1, 2, 3 tổ chức nhưng không thể 300, 3.000 người đi làm vì vừa tốn kém lại vừa phức tạp. Chưa kể điều này hoàn toàn có cơ sở vì luật pháp Việt Nam cho phép và tòa án Mỹ cũng chấp nhận. Về mặt thủ tục thì đồng nhất, thuận lợi, nhanh chóng hơn, đỡ tốn chi phí hơn. Nhưng quan trọng là tập hợp được các tác giả, các NXB, những người có quyền lợi, những người sáng tạo ra tri thức cùng đoàn kết làm một việc chính đáng là bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình theo pháp luật. Có như vậy mới tạo được sức mạnh và hoạt động có hiệu quả.
Vâng, xin cảm ơn ông!
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 91 ra ngày 31/7/2009