Ở tuổi 62, ông Phạm Văn Quảng (thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đang làm chủ một trang trại cam, bưởi rộng hơn 1ha với hàng trăm gốc khiến nhiều người phải trầm trồ khen ngợi.
Có mặt tại vườn cam VietGap của ông Quảng, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN thấy cả một vườn cam V2 vàng óng ả, chùm nào cũng sai trĩu quả. Phía dưới các gốc cam là lớp cỏ xanh ngập mắt cá chân, cứ cách chừng 10m lại được bố trí một tổ ong.
Trang trại cam V2, bưởi của ông Quảng được nhiều người trầm trồ khen ngợi. |
Từ trong sân bước ra, ông Quảng hỏi vui: “Như thế đã đảm bảo sạch chưa phóng viên?”, rồi ông chỉ tay vào đám trẻ đang vui đùa: “Đấy là cháu tôi hết, vườn cam thì bao quanh nhà, nếu phun thuốc hóa học thì chắc tôi phải chuyển nhà đi mất!”. Ông Quảng khoe với chúng tôi, cam của ông hiện nay đã được nằm trên kệ hàng của siêu thị Big C.
Vườn cam V2 chuẩn VietGAP của ông Phạm Văn Quảng. |
Từng là Giám đốc của một công ty xây dựng có tiếng của tỉnh Yên Bái, năm 2014, ông Phạm Văn Quảng quyết định về quê an hưởng tuổi già. Nhưng không nghỉ ngơi, ông lại cải tạo vườn tạp quanh nhà để trồng cây cam.
Tuy nhiên, ông Quảng không trồng cam sành hay cam Vinh như bao người, mà ông chọn giống cam Valencia - V2 để trồng. Ông Quảng giải thích: “Hiện nay cam Vinh hay cam sành đều đã được trồng rất nhiều, đã bảo hòa vì vậy tôi phải chọn hướng sản xuất khác đi, sản phẩm phải độc đáo hơn là trồng cam V2”.
Để thành công với cây cam V2, ông phải nhiều lần ngược xuôi Viện Di truyền Nông nghiệp, thậm chí ở cả tháng trời tại những mô hình trồng cam V2 ở huyện Cao Phong nổi tiếng ở Hòa Bình để học hỏi kinh nghiệm trồng cam V2. Thời gian đầu, ông phải thuê thợ từ tỉnh Hòa Bình, tỉnh Hà Giang về hỗ trợ cách trồng cam V2 theo hướng hữu cơ.
Những quả cam V2 đạt tiêu chuẩn VietGAP trong trang trại nhà ông Phạm Văn Quảng. |
Ông Quảng tâm sự với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: “Ngay từ đầu tôi đã xác định phải trồng cam theo hướng sạch, vì thị trường hiện nay đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, hơn nữa trồng cam hữu cơ mới giữ được màu cho đất”.
Vậy là cá tép dầu, đậu tương... ông mang về ngâm, ủ, vỏ trấu thì đốt ủ thành phân, rồi mua thêm phân bò, phân gà kết hợp phân xanh để bón cho cây cam. Để trừ sâu bọ, ông dùng chế phẩm sinh học rồi trồng đan xen một số loại cây có tính khắc chế như: tỏi, ớt, cà gai leo… nuôi thêm ong, vừa hạn chế sâu bệnh hại vừa giúp cây thụ phấn tốt hơn.
Với cách làm đó từ năm 2018 đến nay, vườn cam V2 của ông đã được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP. Vậy là sau 6 năm ông Quảng gắn bó, đến nay trong số 600 gốc cam V2 thì 300 gốc đã cho trái ngọt.
Thời điểm cuối tháng 2, sang tháng 3, các giống cam khác hết vụ thì cam V2 của ông Quảng bắt đầu đến kỳ thu hoạch. Hiện nay, ông bán tại vườn hay cung cấp cho siêu thị đều với giá 35.000 đồng/kg, ước tính vụ này ông thu trên 10 tấn.
Cam V2 trong vườn của ông Quảng có vị ngọt đậm, vỏ mỏng và rất ít hạt. |
Bận rộn với vườn cam của gia đình suốt ngày là thế, vậy mà ông Quảng vẫn tâm huyết dành thời gian cho việc phát triển cây cam của huyện Lục Yên. Ông đã chủ động liên kết 21 chủ vườn cây ăn quả có múi lớn trong huyện để thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Thắng.
Tổng diện tích của HTX hiện nay khoảng 80ha, bao gồm các loại cam, bưởi da xanh, trong đó gần 1/3 diện tích đã được áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGap, tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật, quy trình chăm sóc. Vụ cam năm nay, toàn HTX thu hoạch khoảng 200 tấn cam, cung cấp cho thị trường khắp các tỉnh trong cả nước.
Hiện nay cam v2 của trang trại nhà ông Quảng đã nằm trên kệ hàng siêu thị Big C. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về mô hình trồng cam V2 chuẩn VietGAP của ông Phạm Văn Quảng, ông Tăng Kết Dư – Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) cho biết: “Ông Phạm Văn Quảng là một trong những người đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn an toàn. Trong năm 2018, 2019, cơ sở sản xuất của ông đã được cơ quan chức năng công nhận cơ sở sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP...”.
(Theo Dân Việt)