-"Thời gian vừa qua hoạt động vận tải hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm đã xảy ra một số sự cố, tai nạn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa", Bộ GTVT cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), qua kiểm tra cho thấy, các tàu cao tốc cánh ngầm cơ bản đảm bảo về điều kiện an toàn kỹ thuật. Tuy nhiên vẫn còn một số khiếm khuyết liên quan đã được cơ quan chức năng khuyến cáo khắc phục.
Thời gian vừa qua hoạt động vận tải hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm đã xảy ra một số sự cố tai nạn đáng tiếc (Ảnh:Info.net). |
Cụ thể, tình trạng tàu cánh ngầm vẫn hoạt động sai luồng tuyến, theo quy định (Thông tư 14 của Bộ GTVT), tàu cánh ngầm được coi là phương tiện hoạt động thủy nội địa nhưng khi ra khỏi bến lại hoạt động trên luồng hàng hải.
“Về nguyên tắc là phương tiện chạy trên luồng hàng hải phải được theo dõi giám sát nhưng vì tàu cánh ngầm chỉ được coi là phương tiện thủy nội địa nên nhiều chủ tàu không lắp thiết bị giám sát hàng hải cho tàu của mình. Do vậy, cơ quan chức năng cũng không giám sát được”, ông Thuấn thừa nhận.
Ông Thuấn đưa ra dẫn chứng, qua kiểm tra hoạt động tàu cao tốc tại TP. HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, đoàn kiểm tra phát hiện trên tuyến có 7 điểm đen, thiết bị giám sát hành trình không đảm bảo vì lắp thiết bị của ô tô, không có bản đồ số của tuyến đường sông. Khi kiểm tra, phương tiện ở dưới sông nhưng trên thiết bị hiển thị ở trên cạn…
Trước thực trạng trên, Bộ GTVT đang chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về niên hạn sử dụng phương tiện thủy cao tốc chở khách tại Việt Nam.
Theo ý kiến tham vấn của các Sở GTVT, các Bộ, ngành và các cơ quan quản lý liên quan cho rằng, tất cả các phương tiện thủy cao tốc chở khách nên quy định niên hạn sử dụng không quá 25 năm.
Bộ GTVT cho rằng, nếu áp dụng theo phương án này thì không ảnh hưởng đến vận tải, chủ tàu có đủ thời gian để đổi mới phương tiện nên hầu như không tác động xấu đến vận tải hành khách, không ảnh hưởng nhiều đến đầu tư.
Tuy nhiên, ý kiến của UBND các tỉnh, thành phố lại đề xuất niên hạn sử dụng của tàu cánh ngầm không quá 21 năm; tàu đệm khí không quá 18 năm; các phương tiện thủy cao tốc chở khách khác không quá 25 năm.
“Theo phương án này thì số lượng phương tiện bị loại khi hết năm 2013 lớn (đặc biệt là đội tàu cánh ngầm), chủ tàu không có đủ thời gian để đổi mới phương tiện nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu vận tải hành khách (đặc biệt tuyến Sài Gòn – Vũng Tàu) và ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của chủ tàu”, Bộ GTVT nhìn nhận.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng quy định thời hạn kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu cao tốc chở khách tối đa là 12 tháng. Sau khi kiểm tra thực tế đối với các tàu cao tốc chở khách trên 20 tuổi, Bộ GTVT đã tăng khối lượng kiểm tra và rút ngắn chu kỳ kiểm tra xuống còn 6 tháng.
Để tăng cường đảm bảo trật tự ATGT đối với tàu cánh ngầm, ông Thuấn cho rằng, cần đưa phương tiện này vào loại phương tiện cần giám sát thường xuyên trong suốt lộ trình để kịp thời phát hiện những tàu chạy không đúng luồng tuyến, gặp tai nạn…
Thống kê tại 12 tỉnh thành có số lượng phương tiện thủy lớn cho thấy, tàu cao tốc chở khách hoạt động trên đường thủy nội địa có tổng số 335 chiếc trong đó có 282 chiếc đang hoạt động, 53 chiếc hết hạn hoạt động hoặc đang chờ sửa chữa. |
Vũ Điệp