Phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội tim mạch Quốc gia Việt Nam cho hay, người mắc bệnh lý tim mạch và các biến chứng tim mạch (tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim,...) tại nước ta đang được trẻ hóa, rất nhiều đối tượng mắc còn trong độ tuổi lao động.

"Những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp dưới 40 tuổi chiếm 20% trong tổng số ca mắc và có xu hướng tăng. Hàng ngày, khi làm chuyên môn tại bệnh viện, chúng tôi cũng cấp cứu cho không ít các bệnh nhân mới 27,28 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim. Thậm chí, có những trường hợp rất nhỏ tuổi, là bệnh nhi đã mắc bệnh lý tim mạch như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp”, PGS Hùng thông tin.

{keywords}
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội tim mạch Quốc gia Việt Nam

Theo nghiên cứu của Hội tim mạch Quốc gia, Việt Nam hiện có khoảng 200.000 – 300.000 người chết mỗi năm vì các bệnh lý tim mạch. Bên cạnh nguy cơ tử vong, người trẻ mắc bệnh lý tim mạch thường gặp nhiều hệ lụy khác bởi quỹ thời gian sống dài. "Việc phải sống lay lắt vì các bệnh lý tim mạch khiến chất lượng cuộc sống bệnh nhân giảm, chưa kể trở thành gánh nặng xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình”, PGS Hùng chia sẻ.

Phó chủ tịch Hội tim mạch Quốc gia cho hay, yếu tố nguy cơ lớn nhất khiến số lượng người trẻ mắc bệnh tim mạch tăng là do thói quen ăn uống, sinh hoạt của nhiều người.

Các đồ ăn không tốt cho sức khỏe như đồ chiên rán sẵn, thức ăn nhanh hiện đang được tiêu thụ quá nhiều, là nguyên nhân gây ra hàng loạt bệnh về tim mạch như xơ vữa động mạch, cứng mạch, tăng huyết áp. Một số người cũng chưa bỏ được thói quen thường xuyên ăn mỡ động vật, phủ tạng động vật - những thực phẩm có hàm lượng Cholesterol rất lớn.

Việc ăn quá nhiều tinh bột, ăn quá mặn cũng là nguyên nhân chính yếu dẫn đến bệnh lý tim mạch. Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho thấy, người Việt hiện đang ăn gấp đôi lượng muối tiêu chuẩn được WHO khuyến cáo.

Ngoài thói quen ăn uống, PGS Hùng cũng cho biết, việc lười vận động; có những sở thích có hại như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, nghiện internet; các vấn đề liên quan đến rối loạn stress,… đều là yếu tố thúc đầy gia tăng bệnh lý tim mạch. “Càng có nhiều thói quen xấu, các biến cố tim mạch có thể càng xảy ra sớm”, ông Hùng nhấn mạnh.

{keywords}
Hình minh họa

Hiện nay, Việt Nam đã tiệm cận với nhiều kỹ thuật tiên tiến, có thể can thiệp và cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân gặp biến cố tim mạch. Tuy nhiên, những can thiệp y tế chỉ có thể cứu sống bệnh nhân trong giai đoạn đó, không thể ngăn biến cố tái phát. Bởi vậy, PGS Hùng khuyến cáo người mắc bệnh tim mạch cần chú ý giữ gìn sức khỏe, có chế độ ăn uống, tập luyện lành mạnh, bỏ thói quen xấu để “chung sống hòa bình” với bệnh.

“Nhiều bệnh nhân vẫn tiếp tục hút thuốc, sử dụng rượu bia bởi nghĩ đây là bệnh mạn tính, “dùng hay không cũng không khác”. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân tim mạch hút thuốc lá, lạm dụng rượu tử vong cao gấp nhiều lần so với người không sử dụng. Do vậy, chúng ta bắt buộc phải bỏ các thói quen xấu”, ông Hùng nhấn mạnh.

Với người khỏe mạnh, PGS Hùng khuyến cáo nên chủ động phòng ngừa sớm bệnh lý tim mạch qua việc điều chỉnh các thói quen, chế độ sinh hoạt.

Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong ngày 16 -17/10. Với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới – Biến thách thức thành cơ hội”, lần đầu tiên Đại hội Tim mạch toàn quốc chuyển sang hình thức trực tuyến.

Đại hội dự kiến sẽ kết nối tới hơn 10.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Trong đó, có 108 báo cáo viên là các Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch trên toàn thế giới.

Nguyễn Liên

Hai trẻ tử vong sau tiêm vắc xin: Bảo quản và tiêm đều đúng quy trình

Hai trẻ tử vong sau tiêm vắc xin: Bảo quản và tiêm đều đúng quy trình

Hai tỉnh Sơn La và Vĩnh Phúc đã tạm dừng tiêm lô thuốc có trẻ tử vong. Đánh giá bước đầu chưa phát hiện sai sót liên quan đến vắc xin.