Nhạc sĩ nổi tiếng Trần Tiến kể về thời từng đi rửa bát thuê và có lúc "nổi máu giang hồ" xách đàn đi du ca của mình trong cuốn sách "Trần Tiến Ngẫu Hứng".

Sau những lần trà dư tửu hậu, trở về với chính mình cũng là lúc những ký ức chợt ùa đến như những trích đoạn của đường đời. Những phút giây ngẫu hứng ấy đã thôi thúc nhạc sĩ Trần Tiến cầm bút và vẽ lại chân dung chính mình bằng con chữ. Trần Tiến đã viết lại những hỉ, nộ, ái, ố, những cảm nhận háo hức, đắm say suốt quãng đời phiêu lãng, du ca của mình. Ông bắt đầu viết câu chuyện cuộc đời mình rất tự nhiên, vô tư như lời tâm tình sâu lắng. Những câu chuyện nhỏ cứ tuôn chảy và ghép nối với nhau thành một cuốn tự truyện đậm chất Ngẫu hứng của Trần Tiến.

Tối 27/9 tại TP HCM, nhạc sĩ Trần Tiến giới thiệu với bạn đọc cuốn tự truyện của mình mang tên "Trần Tiến ngẫu hứng" - cuốn tự truyện mang đậm phong cách "ngẫu hứng" của "gã du ca" thủa nào. Được sự cho phép của đơn vị xuất bản FirstNews, VietNamNet xin trích đăng những tâm sự chưa từng kể của Trần Tiến để hiểu hơn về cuộc đời thăng trầm của ông.

{keywords}
Nhạc sĩ Trần Tiến

Ê, thằng Tiến rửa bát nhà mình kìa!

Anh Tiến kể chuyện Lập nghe…

Anh nấu phở được lắm, em ạ. Ngày nào bảo vợ rủ bạn bè, anh dạy cho. Có ngày anh lừa được 3.800 USD tiền dạy nấu phở đấy. Nhà anh to thế, bị chính phủ ngày mới giải phóng Thủ đô bắt “nhường” lại (nhượng miệng, không có giấy tờ gì) để làm quán trọ. Đã thế, mẹ anh phải giặt giũ giường chiếu, chăn màn cho cái nhà trọ phố ga của chính phủ, chính là nhà mình. Đau đớn!

Anh còn bé phải xuống giặt giúp mẹ trong cái nắng thiêu đốt của ngày giải phóng. Anh không sao quên lũ rệp: Rệp từ giường leo vào người, vào bàn tủ chăn chiếu, làm tổ trong gối, lại còn leo lên trần nhà nhìn xuống. Lũ rệp coi mẹ con anh - nhà tư sản đếm trên đầu ngón tay của Hà Thành ngày xưa - như rác.

Rồi một ngày mẹ anh bị “chuyển công tác”: đi rửa bát cho một hàng phở. Tất nhiên anh thương mẹ, đi theo rửa bát giúp mẹ. Thằng cửa hàng trưởng còn bắt anh nắm than, rửa thùng phở to đùng. Hồi đó anh mê hát, cứ rúc trong thùng phở to đùng nghêu ngao những bài ca cách mạng, nhưng tất nhiên là của Nga-la-tư. (Anh đang học lớp 9 phổ thông mà).

Mỗi sớm, thợ được nhà nước tặng một tô phở “không người lái”. Ông phụ trách chuyên môn, tức người nấu phở chính, thấy kỳ kỳ, ai cũng tô phở “không người lái”, mà khi ông đùa, lấy đũa lật lên… toàn thịt. Là người gốc Phúc Kiến lang bạt kỳ hồ về xứ Giao Chỉ, dân nấu phở toàn từ Giao Cù, Nam Định lên Kẻ Chợ hành nghề. Làng ông chỉ có họ Cồ, ông giỏi nhất, trong đám phở gánh nổi tiếng Hà Thành tên Cồ Cử.

Ông Cồ Cử chú ý quan sát thấy tô phở “chính phủ cho” của anh giai em chỉ là phở “chân chính”, không có đoạn “ăn cắp”. Thế là không biết sao, bốn đứa con thì không truyền bí quyết nấu phở, chỉ truyền cho kẻ lơ ngơ như anh.

Hai năm sau khi anh đã là ca sĩ khá nổi tiếng, một hôm máu lên, anh tìm cách mời cả Công ty ăn uống Hoàn Kiếm đi xem anh hát.

Ông Cồ Cử hồn nhiên đứng dậy giữa rạp:

- Ê, thằng Tiến rửa bát nhà mình kìa. Hay quá, con trai!

Thực ra đến giờ anh vẫn ân hận. Bí quyết nhà Cồ trót giao nhầm cho kẻ ngốc. Giá anh cứ nấu phở thì nhạc Việt đâu có gì thiệt!

{keywords}
Trần Tiến một thời trai trẻ

Thời bao cấp đói chết mẹ! Anh Hiếu, chị Huyền (Chị Vũ Thúy Huyền, giảng viên thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội, học trò là ca sĩ Thanh Huyền) đi hát phục vụ cách mạng xong đói quá, lại bò về nhà mẹ, sai thằng em đi bắt trộm chim bồ câu của ông bác để nấu cháo. Anh leo lên mái nhà ba lầu, thò tay không vậy mà cũng bắt được. Bây giờ nghĩ lại thấy anh hùng thật.

Cả thời tuổi trẻ chả thấy nghệ thuật, triết học triết cháo gì sất, chỉ thấy thèm ăn. Rủ thằng Lưu Quang Vũ đi cướp tàu hỏa chở xe đạp gì đó của Tàu viện trợ, xe gì nhỉ? - Xe Phượng Hoàng. Thằng Vũ hăm hở lắm, kế hoạch nó bày ra cứ như cao bồi Viễn Tây.

Hôm sau đến giờ hành sự, nó lại ha hả cười: Ai cũng biết ăn cướp thì làm gì có nhà thơ. Rồi hai thằng lại bỏ hết đồng tiền cuối cùng nhờ thằng Hưng “đói” đi buôn giấy ảnh bỏ đi của Bộ Quốc phòng. Giấy ảnh chả thấy đâu, Hưng bị truy nã. Sau này, trung Tướng Hữu Ước kể lại: ngày ấy vì làm đàn em các anh, loong toong mang giùm giấy ảnh mà phải đi tù 2 năm. Chả biết có đúng không!

Cuộc cãi vã đáng để ý nhất là đối đầu triết học với anh Sơn (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) và Duật (nhà thơ Phạm Tiến Duật). Tất nhiên là hai buổi riêng! Duật điên quá kêu người bỏ tù anh ở ngay nhà Trọng Khôi (nghệ sĩ kịch nói), còn anh Sơn chỉ cười cười, biết mình thua thằng con nít nên anh không chấp. Anh bảo anh Sơn cần phải nghiên cứu giao hưởng, và viết cái gì đó lớn hơn. Anh Sơn bảo: “Chịu khó học thì cũng viết được, nhưng chưa chắc một bản giao hưởng tồi lại có giá trị hơn một câu hò hay”. Anh ấy nói có lý!...

{keywords}
Trần Tiến với NS Trịnh Công Sơn 

Thời du ca

Ngày đó ở chiến trường mình chơi đàn guitar và hát cho bất cứ nơi nào có lính, dù chỉ hai ba tên. Trên đỉnh núi, ngoài bến phà, trong công sự, còn leo lên cả ụ pháo nóc cầu Long Biên. Nơi có ba người lính, mình là người thứ tư, không phải để bắn, mà để hát cho thằng bắn. Thế cũng gọi là một thứ du ca thời chiến.

Ngày về hậu phương, hóng hớt nghe thày Hoàng Vân kể, có anh nhạc sĩ tóc dài kiểu hippi, trốn lính, sống trong những ngăn trần nhà, hát du ca về thân phận quê hương chiến tranh là Trịnh Công Sơn.

Cũng biết thế thôi, chứ có bao giờ biết ông ta hát gì. Rồi người ta kể về Joan Baez, Victor Hara, Pete Seeger hát với guitar khắp các nơi có chiến sự. Nhưng cho đến khi xem phim về họa sĩ Goya ở Hà Nội thì bắt đầu thấy thích du ca thật sự. Trên phim có nhóm nhà thơ, ca sĩ, họa sĩ đi chân đất hát ngoài quảng trường với công chúng nghèo, đối lập với kiểu trình diễn hoàng cung. Phải đến lúc đó tôi mới mơ mộng, và nổi máu giang hồ xách đàn ra đi.

Một ngày kia, sau khi hoàn thành chương trình học viết giao hưởng, tôi bỗng nhiên nói với thày Nguyễn Đình Tấn: “Chắc em không viết giao hưởng đâu, em đi du ca đây”. Thày không hiểu mình nói gì. Mình cũng không hiểu nữa là thày, cứ thế mà đi.

Đại khái tôi không thích nhạc “Đài tính” (nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam - phương tiện truyền thông duy nhất của nhà nước ta ngày đó). Tôi không thích làm nhạc sĩ của “hoàng cung”, với thời đó là sáng tác theo yêu cầu của chính quyền, viết nhạc để được phát trên đài phát thanh, thứ nhạc của cung đình dễ được nổi tiếng. Tôi đã biết nhạc mình không hợp với chính quyền ngay từ lúc tốt nghiệp Đại học âm nhạc.

Nhân dịp bị đuổi khỏi Đài Phát thanh, Truyền hình Hà Nội (chỉ vì để râu và mặc quần ống loe), mà tôi có cớ bỏ vào Sài Gòn, sống lang bạt kỳ hồ, với cuộc sống khốn nạn như chó rách. Ở đây tôi mới được biết đến phong trào du ca phản chiến trước 75. Thế là tôi bắt đầu thực hiện giấc mơ viết những ca khúc cho sinh viên hát chui, nghêu ngao trong trường, lính trẻ nghêu ngao ngoài mặt trận, các em bia ôm nghêu ngao ngoài quán, những thứ không bao giờ được phát trên Đài.

Và tất nhiên bài nào ra cũng bị cấm, không phát thanh đã đành, cả hội diễn thi thố gì, cứ thấy tên Trần Tiến là gạch: Từ Điệp khúc tình yêu, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Tạm biệt chim én đến Mùa xuân gọi giúp Lệ Quyên đoạt giải thưởng lớn ở cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế, cũng không được phát trong nước.

Mãi đến năm 1990 tôi mới thực sự lập nhóm “Du ca Đồng nội” để đi hát kiếm tiền xây dựng một “Trường nhạc cho trẻ mồ côi, trẻ thiếu may mắn”. Xin mãi không được giấy phép thành lập, rồi cuối cùng lấy nhà mình làm lớp học “Mặt trời nhỏ” đào tạo 25 em được 7 năm, các nghệ sĩ tí hon đến khi trưởng thành đi kiếm tiền được, cũng là lúc tôi hết tiền, đành đóng cửa. Thời kỳ này, thì đúng là nhạc sĩ du ca.

Sau này không đi du ca nhưng vẫn tiếp tục phong cách du ca trong sáng tác. Những bài hát đủ thể loại: từ jazz, rock, hiphop, country, latin, dance vẫn có chất pop của du ca, dễ thuộc, dễ nhớ nhưng không dễ dãi, hát lên không thấy nhạt miệng. Đó chính là phong cách du ca hiện đại kiểu Vysotxky của Nga, Serge Gainsbourg của Pháp, Bob Dylan của Mỹ. Việt Nam có Phạm Duy, Trịnh Công Sơn là những đại diện ưu tú của Du ca Việt Nam. Họ đã ra đi hết. Còn mình tôi chưa chết nên đành “độc du”.

T.Lê