Khoa nhi của các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội (như Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang) và các bệnh viện tuyến Trung ương (như Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai) hiện đang đón nhận lượng bệnh nhi tăng cao đột biến do thời tiết thay đổi.
Cụ thể: Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khoảng 1 tuần trở lại đây, mỗi ngày bệnh viện đều tiếp nhận trung bình 2.300 đến 2.500 bệnh nhi khám, trong đó có một nửa phải điều trị nội trú tại tất cả các khoa (đặc biệt là khoa Hô hấp). Con số này được xác nhận là cao gấp đôi so với những ngày thời tiết bình thường.
Bác sỹ Phạm Phương Thảo, khoa Nhi bệnh viện Xanh Pôn cho biết, trẻ gặp nhiều vấn đề sức khỏe trong thời điểm giao mùa này là điều dễ hiểu bởi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh. Trong điều kiện thời tiết thay đổi “xoành xoạch” như hiện nay, sáng nắng chiều mưa, đang lạnh lại nồm ẩm hoặc hanh khô, oi bức… thì hệ miễn dịch của trẻ rất dễ bị tấn công do không thích ứng kịp thời.
Trẻ nhập viện tăng mạnh vì thời tiết thay đổi xoành xoạch (Ảnh: A.N) |
Nhóm trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Các cháu có thể cảm thấy khó chịu trong người, lười ăn, hay quấy khóc, … Theo các bác sỹ Nhi khoa, điều kiện thời tiết ẩm ướt và nhiệt độ vừa phải như hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển các virus gây bệnh đường hô hấp, trong đó Adeno virus.
Khi nhiễm Adeno virus, sau 1-2 ngày ủ bệnh, trẻ sẽ đột ngột sốt rất cao (39-40 độ), chảy nước mũi liên tục, đau họng, ho, nhức mỏi các cơ. Nếu không điều trị kịp thời, virus này có thể chuyển vào phổi gây suy hô hấp một cách nhanh chóng. Dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho thấy thời tiết nồm ẩm, mưa phùn như hiện nay sẽ còn kéo dài “lai rai” trong vài ngày tới. Hiện, độ ẩm trong không khí tại các tỉnh miền Bắc đang rất cao. Tại Hà Nội, độ ẩm là 97% vào ngày 6/4. Tại Hải Phòng, độ ẩm lên tới 100%.
Các tỉnh khu vực miền Trung cũng có độ ẩm trong không khí rất cao (tại Vinh ngày 6/4, độ ẩm cũng là 96%). Độ ẩm cao kết hợp với không khí lạnh (trung bình thấp cho các tỉnh đông Bắc Bộ là 17-20 độ, các tỉnh Thanh Hóa – Thừa Thiên Huế từ 18-21 độ) và mưa phùn, sương muối sẽ tạo điều kiện để tình trạng nồm ẩm gia tăng trong những ngày tới. Vì vậy, trong thời điểm giao mùa như hiện nay, cha mẹ cần chú ý theo dõi và có biện pháp để giữ gìn sức khỏe cho con em mình.
Theo đó, nên tránh đưa trẻ đến nơi đông người, gió lùa mạnh, đi đường cần bịt khẩu trang kín để tránh tác động xấu tới đường hô hấp khi hít phải không khí ô nhiễm. Trẻ cần được mặc ấm vừa đủ và ăn uống đủ chất, vệ sinh sạch sẽ.
Hiện nay, nhiều gia đình sử dụng các thiết bị như (quạt điện) để làm khô nhà trong những ngày nồm ẩm ướt át. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khí tượng, cách này không khoa học và sẽ làm nền nhà ẩm ướt hơn, tạo điều kiện cho muỗi, virus vi khuẩn phát triển (bởi quạt sẽ làm bề mặt đệm lạnh đi, hơi nước cành ngưng tự gây ẩm mốc nhiều hơn). Vì thế, chỉ nên dùng máy hút ẩm hoặc lau khô nhà thường xuyên.
• A.N