Những món đồ second-hand thực tế cũng gây ra rất nhiều vấn đề rắc rối cho cuộc sống của chúng ta!
Hàng năm, khi các nhãn hàng thời trang cho ra mắt những bộ sưu tập với nhiều mẫu mã mới thì số lượng sản xuất ồ ạt đi cùng với các mẫu mốt thay đổi liên tục đã tạo nên một vấn đề, đó là sự quá tải của quần áo cũ, quần áo thải loại. Nhiều loại quần áo cũ được làm từ chất liệu như nilon hay polyester rất khó phân hủy. Bởi vậy, đi đôi cùng việc tủ quần áo của bạn dung nạp thêm một lượng kha khá quần áo mới thì trái đất cũng phải tiếp nhận một đống rác mới, đống rác khổng lồ mang tên quần áo cũ.
Quần áo cũ được đi theo nhiều con đường. Chúng có thể bị đưa tới các bãi rác khổng lồ để tiêu hủy khi đã quá cũ kỹ, làm giẻ lau, quyên góp cho các tổ chức từ thiện, được bán vào các chợ đồ cũ… Nếu như phương án một và hai không thực sự giải quyết được hết đống quần áo lạc mốt, khi chỉ tính riêng tại Anh đã có tới vài triệu số rác thải sinh hoạt là quần áo cũ vẫn còn đang tồn đọng chưa xử lý hết, thì phương án ba và bốn lại trở thành cách mà nhiều người lựa chọn để nhanh chóng“tống cổ” hết thứ trang phục đã hết thời.
Quần áo cũ theo cách hay và ba được bán theo chiếc, thậm chí theo cân với giá rất rẻ hoặc được giao cho các tổ chức từ thiện. Các quỹ từ thiện một phần đem những quần áo cũ này đến cho những người có hoàn cảnh khó khăn, phần còn lại chiếm khoảng 20% thì được đem bán để lấy tiền chi cho các hoạt động từ thiện.
Những loại đồ cũ nhưng không nát, vẫn còn giá trị sử dụng được các đầu nậu phân loại theo tình trạng, chất liệu vải, nhãn hiệu… sau đó đóng vào các container lớn để đưa đến các chợ đồ cũ trong hoặc ngoài nước.
Quần áo đã qua sử dụng hay còn được chúng ta gọi bằng cái tên quen thuộc hơn, quần áo second-hand, quần áo “sida”…. thực tế được rất nhiều người ưa chuộng. Phần đông trong số này là những người có thu nhập thấp, người săn đồ vintage (đồ cổ điển), người thích đồ độc, hay chung chung đơn giản chỉ là những đối tượng không muốn chi quá bộn tiền vào cái mặc.
Câu chuyện về những món đồ cũ tưởng chừng chỉ đơn giản vậy thôi nhưng thực tế, xét trên nhiều khía cạnh, cả về mặt kinh tế, y tế thì đồ cũ gây cho cuộc sống của chúng ta không ít vấn đề.
Day dứt bài học từ Châu Phi
Một sự thật hiển nhiên là các nước có nền kinh tế kém phát triển hoặc đang phát triển thường là kho tiếp nhận đồ cũ của thế giới. Tại các khu chợ của Châu Phi, quần áo cũ của tới từ các nước Mỹ, Châu Âu và cả Châu Á, nhiều nhất là của Trung Quốc tràn ngập khắp nơi và có phần áp đảo hoàn toàn hàng nội địa. Trong khu chợ hàng “sida” ở nước này, quần áo cũ đủ mọi tình trạng, từ thẳng thớm tới nhăn nhúm, từ trơn láng không một vết bẩn cho tới sờn rách được chất cao như núi, tất nhiên là giá tiền của chúng cũng phân theo nhiều mức giá khác nhau.
Chợ bán đồ cũ tại Châu Phi |
Theo Karol, một người buôn hàng “sida” tại Uganda cho biết, dân nước này chuộng nhất là hàng cũ của Mỹ và Anh, vì chất lượng ổn so với giá tiền và kiểu dáng đẹp. Tuy nhiên, giá quần áo cũ của các nước Châu Âu và Mỹ thường có giá cao hơn hẳn so với quần áo cũ tới từ Trung Quốc. Tại các nước Châu Phi, quần áo Trung Quốc tràn ngập thị trường, từ quần áo giá rẻ đến quần áo đã qua sử dụng. Quần áo cũ Trung Quốc có nhược điểm là chất liệu khá tệ, dễ hỏng nhưng bù lại mẫu mã phong phú và giá rất thấp.
Việc quần áo cũ từ các nước khác đổ bộ ồ ạt với số lượng quá lớn vào Châu Phi đã khiến những nước này xảy ra một thực trạng không mấy dễ chịu đó là làm ngành công nghiệp thời trang của họ bị rơi vào trạng thái đình đốn và ngày càng kém phát triển.
Ngành công nghiệp thời trang, dệt may của các nước Châu Phi có nhân công giá rẻ, đông đảo, tay nghề tương đối ổn song điều kiện nhà xưởng không tốt, công nhân thường phải gia công sản phẩm bằng tay. Do vậy, chất lượng cũng như mẫu mã của hàng nội địa không đọ lại được với hàng cũ nhập khẩu từ các nước phát triển. Giá cả của sản phẩm lại càng không thể thấp được như hàng second-hand của Trung Quốc.
Một số nước nghèo như Malawi, Mozambique, Zambia không thể phát triển và bảo vệ được chính ngành công nghiệp dệt may của nước nhà, khiến nó ngày một “chết dần chết mòn” vì không có chính sách quản lý hàng cũ nhập khẩu một cách cân đối và hiệu quả.
“Chiếc áo T-shirt đó có thể rất rẻ nhưng tốt hơn là bạn nên mua một chiếc mới, hàng nội địa, và như thế đồng tiền vẫn sẽ ở lại, tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân nước bạn”- Theo Andrew Brooks, tác giả của một đề tài nghiên cứu về mối quan hệ quần áo cũ xuất khẩu làm lũng đoạn hiện trạng nền công nghiệp thời trang của các nước nghèo Châu Phi.
Đủ loại đồ cũ từ nước ngoài được bày bán tại các chợ đồ second-hand, từ quần áo tới đồ chơi |
Tại Châu Phi, giai đoạn mở cửa hồi năm 1980 tới 1990 là thời điểm đánh dấu sự thâm nhập của quần áo giá rẻ và quần áo xuất khẩu, đặc biệt là nguồn hàng tới từ các nước Châu Á như Nhật, Trung Quốc.
Theo báo cáo năm 2006, ngành công nghiệp dệt may của Ghana bị suy thoái nặng nề, giảm doanh thu 80% chỉ trong khoảng từ năm 1975 cho tới năm 2000, Zambia giảm nhân công từ 25.000 công nhân vào năm 1980 xuống chỉ còn 10.000 người chỉ trong năm 2002. Và ở Nigeria, 200.000 nhân công may mặc tại các xưởng của hãng nội địa bị buộc cho thôi việc… là những cón số ám ảnh và rất ấn tượng.
Nhưng ngược lại, nguồn lợi mà những nước xuất khẩu thu được từ quần áo cũ vào khoảng 1.9 tỉ đô vào năm 2009 (theo số liệu thống kê của U.N năm 2011). Tới năm 2013, doanh thu toàn cầu về việc xuất khẩu quần áo cũ là khoảng 3 tỉ đô. Rõ ràng, hàng second-hand không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ, nó cũng tiềm ẩn nhiều mối họa khó lường đối với các nước nhập khẩu nguồn hàng này.
“Khoảng 90% quần áo mà người dân ở đây mua là đồ cũ. Những nước Châu Phi là thị trường tiêu thụ trị giá nhiều tỉ đô của quần áo thải loại. Là một cá nhân nhỏ nhoi, bạn có thể thay đổi được điều gì?” – Nhà thiết kế Sylvia Owori người Uganda than phiền.
Vấn đề hàng ngoại lai, trong đó hàng cũ nhập khẩu lấn lướt hàng nội địa không chỉ xảy ra tại các nước Châu Phi mà còn diễn ra tại các nước đang phát triển, nhiều nước Đông Nam Á cũng chịu chung tình trạng kể trên.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chính phủ các nước nên có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn với nguồn đưa đồ cũ từ các nước khác vào thị trường. Bên cạnh đó, bản thân các thương hiệu may mặc trong nước cũng nên tự cải tạo mình và tìm ra được điểm vượt trội, điểm khác biệt so với đồ cũ của nước ngoài, chẳng hạn như việc tăng chất lượng thành phẩm, cải tiến mẫu mã hợp mốt, sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên an toàn cho sức khỏe, điều tiết giá cả hợp lý, đầu tư hơn vào khâu quảng cáo trong nước….
Người dân các nước nghèo rất chuộng quần áo "sida" giá rẻ |
Thấp thỏm lo lắng khi mặc đồ "sida"
Tại Mexico, sau khi phát hiện nhiều ca phát bệnh vì mặc đồ cũ, các tổ chức y tế và truyền thông của nước này đã khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi mua quần áo second-hand về để sử dụng.
Quần áo cũ được chất đống trong kho là ổ của các loại nấm mốc, vi khuẩn và các loại bọ, một số khác có thể vẫn còn tồn đọng nhiều hóa chất ngâm tẩy độc hại. Các căn bệnh thường thấy nhất khi sử dụng đồ cũ đó là viêm da, ghẻ, lậu, bệnh nấm candida…
Để phòng tránh các “căn bệnh lạ” vào năm 1985, Trung Quốc từng cho tiêu hủy 20 tấn quần áo cũ nhập từ nước ngoài về. Báo chí nước này cũng từng khuyến cáo không bán và mua quần áo cũ nước ngoài hoặc từ Hồng Kong và Macao để “ngăn cản các dịch bệnh lạ xâm nhập vào đất nước”.
Bạn cũng sẽ thực sự sẽ gặp những vấn đề sức khỏe cực kỳ phức tạp nếu như sử dụng quần lót hàng second-hand. Rất nhiều trường hợp đã bị mắc bệnh vùng kín như lậu, nhiễm nấm vì mặc đồ lót cũ. Đồ lót, đồ tắm cũ là thứ nguy hiểm nhất vì chúng có khả năng chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc.
“Cách tốt nhất là tránh mua đồ cũ. Nếu đã từng mua thì nên ngâm, giặt kỹ bằng bột giặt và phơi ngoài nắng to vài ngày trước khi mặc. Không nên mua và sử dụng quần áo lót cũ. Chúng rất có thể còn tồn tại vi khuẩn cực kỳ nguy hiểm” - Diana Castillo Martinez, chuyên gia y tế cho biết.
Thực vậy để tránh sự nguy hiểm về mặt sức khỏe do đồ cũ đem lại, bạn hãy chú ý hạn chế thử đồ cũ chưa giặt. Nếu mua đồ cũ về thì trước tiên phải ngâm trong nước pha bột giặt, giặt kỹ, phơi ở điều kiện ánh sáng ngoài trời, và nên là quần áo. Sức nóng có thể giảm thiểu phần nào vi khuẩn, nấm mốc tồn tại trên bề mặt vải.
Bên cạnh nhiều vấn đề bất cập, đồ second-hand cũng có những mặt tích cực. Chẳng hạn như việc luân chuyển quần áo cũ sang cho các đối tượng mới góp phần giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường. Như đã nêu ở trên, tiêu hủy hoặc tồn đọng lượng quần áo cũ quá lớn sẽ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường đất và môi trường nước.
Đồng thời nó cũng giúp người có điều kiện tài chính yếu kém không phải chi quá nhiều tiền cho quần áo đồng nghĩa với việc họ sẽ tiết kiệm được một khoản tiền nhất định. Ngoài ra, việc xuất khẩu quần áo cũ cũng kiến tạo thêm công ăn việc làm cho người dân của nước đó. Chỉ tính riêng tại Mỹ, ngành xuất khẩu quần áo cũ đã giúp nước này có thêm được 2000 công ty lớn nhỏ, thu về cho bản quốc mỗi năm khoảng 700 triệu đô.
Đồ second-hand, xét chung cũng chỉ là thứ vô tri vô giác. Điều quan trọng nhất để cải thiện mặt tiêu cực của nó lại nằm ở ý thức con người. Nếu chúng ta không hoang phí khi mua sắm quá nhiều trang phục mới nhưng chỉ có giá trị sử dụng trong một vài lần, nếu các nhà mốt không chạy đua để tung ra thật nhiều sản phẩm mới toanh trong những khoảng thời gian quá ngắn, nếu vấn nạn hóa chất độc hại sử dụng trên nguyên vật liệu thời trang được giảm thiểu, nếu người tiêu dùng biết tiết kiệm, biết tự xoay vòng tái sử dụng đồ cũ, nếu người sử dụng đồ cũ biết tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách tuân thủ chặt chẽ các bước làm sạch để ngăn chặn các nguy cơ nhiễm bệnh, nếu các công ty môi trường tìm ra được nhiều phương pháp đối phó với quần áo thải loại theo cách thân thiện và an toàn hơn với môi trường… thì chắc chắn những cảnh báo đỏ về đồ second-hand chắc chắn sẽ không còn tồn tại.
(Theo Khám Phá)