Thủ tướng Vladimir Putin cho hay, Nga đã được báo động về "mối nguy ngày một lớn" về cuộc tấn công nhằm vào Iran xung quanh chương trình hạt nhân nước này và cảnh báo rằng, hậu quả sẽ là "thảm họa thực sự".


Ảnh: Telegraph

Trong bài viết về chính sách đối ngoại đăng hôm thứ hai trên tờ Moskovskiye Novosti trước cuộc bầu cử tổng thống khi gần như nắm phần thắng trong tay, ông Putin còn cảnh báo phương Tây và các nước Ảrập về sự can thiệp quân sự tại Syria và cáo buộc phương Tây can thiệp vào hoạt động chính trị Nga cũng như láng giềng.

Tuyên bố cứng rắn khi chuẩn bị trở lại điện Kremlin dù phải đối mặt với những cuộc biểu tình lớn và lo lắng tình hình Trung Đông, Thủ tướng Nga Putin nói rằng, sự can thiệp của Mỹ và NATO ở nước ngoài làm xói mòn ổn định toàn cầu. 

Ông Putin nói rõ rằng, việc Nga cùng với Trung Quốc ngăn chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo nhằm chấm dứt sự trấn áp của chính phủ với phe đối lập tại Syria, sẽ được sử dụng như đòn bẩy ngăn chặn hành động của Mỹ khi phù hợp. Các quốc gia NATO không nên thành lập liên minh để tiến hành can thiệp quân sự khi thiếu sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an. "Không ai có quyền sử dụng các đặc quyền của LHQ đặc biệt là khi sử dụng vũ lực trong quan hệ với các quốc gia có chủ quyền", ông nói.

Nằm trong loạt bài viết xuất bản hàng tuần vào hai tháng trước cuộc bầu cử, bài viết dài lần này của ông Putin còn gồm những lời chỉ trích Mỹ khá quen thuộc. Ông nhấn mạnh, NATO có một "ham muốn" chiến tranh và Mỹ đang cố gắng đảm bảo an ninh của mình bằng phí tổn của người khác. "Hàng loạt xung đột vũ trang với lý do tưởng như chính đáng là vì mục tiêu nhân đạo đang xói mòn các nguyên tắc được tôn trọng nhiều thế kỷ nay của chủ quyền quốc gia", Putin cho rằng Mỹ và NATO đang tạo ra "sự vô nghĩa về pháp lý và chuẩn mực đạo đức" trong các vấn đề thế giới.

"Không ai có thể được phép cố gắng áp dụng kịch bản Libya ở Syria", Thủ tướng Nga khẳng định. "Tôi rất hy vọng Mỹ và các nước khác tính toán đến trải nghiệm đáng buồn này và không nỗ lực thiết lập một kịch bản quân sự trong động thái về Syria mà không có sự phê chuẩn từ Hội đồng Bảo an".

Ông cũng đề cập tới điểm nóng Iran - nơi mà các nước phương Tây e ngại đang tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Israel đã đe dọa tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân Iran và Mỹ không bác bỏ việc sử dụng vũ lực nếu các biện pháp trừng phạt và ngoại giao thất bại. "Không nghi ngờ gì nữa, mối đe dọa ngày càng lớn của một cuộc tấn công quân sự nhằm vào nước này đang báo động Nga", ông Putin nói về Iran. "Nếu điều này xảy ra, hậu quả sẽ thực sự thảm khốc và không thể hình dung nổi quy mô thực sự của nó".

Theo ông, các cường quốc toàn cầu đang tìm cách kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran nên công nhận quyền làm giàu uranium của nước này, và cần áp dụng cách thức linh hoạt nếu muốn thuyết phục Iran kiềm chế trong chương trình hạt nhân. Các nước phương Tây đã quá nhanh chóng "túm lấy cây gậy cấm vận và thậm chí là hành động quân sự", ông nói. "Tôi cần nhắc rằng, đây không phải thế kỷ 19, cũng không phải thế kỷ 20".

Lãnh đạo Nga còn cảnh báo chống lại việc gây quá nhiều áp lực với Triều Tiên. Theo ông, "các nỗ lực để kiểm tra sức mạnh của nhà lãnh đạo mới là không chấp nhận được" vì có thể kích động phản ứng của họ. Putin tuyên bố, sự can thiệp quân sự của phương Tây ở nhiều quốc gia, từ cuộc chiến Iraq năm 2003 tới chiến dịch không kích của NATO chống lại lực lượng Gaddafi ở Libya, rốt cuộc chỉ khích lệ việc phổ biến hạt nhân. Ông nói: "Các nhà lãnh đạo có thể nghĩ rằng 'tôi có bom nguyên tử trong túi, không ai sẽ động tới tôi'. Dù đúng vậy hay không, thì thực tế là sự can tiệp nước ngoài sẽ dẫn tới tư duy như vậy".

Nhiệm kỳ của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã chứng kiến sự cải thiện quan hệ Nga - Mỹ bao gồm cả hiệp ước cắt giảm hạt nhân quan trọng năm 2010 giữa hai cựu thù thời chiến tranh Lạnh. Nhưng hai bên vẫn còn bất đồng về kế hoạch lá chắn tên lửa châu Âu của Mỹ - điều mà Kremlin e ngại là làm suy yếu kho hạt nhân của Nga và đảo lộn cân bằng quyền lực. Putin cho hay vẫn giữ hy vọng về thỏa hiệp tên lửa phòng thủ, nhưng theo ông Mỹ có thể không sẵn sàng.

Ông Putin cũng bày tỏ lo lắng về Afghanistan khi nói hoạt động của Nato đã không giải quyết được những nhiệm vụ đặt ra.

Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng, ông Putin đề cập tới mối đe dọa Mỹ để làm chệch hướng các vấn đề trong nước và củng cố hình ảnh của mình như người bảo vệ nước Nga. Theo một số nhà phân tích, Nga nên chú ý nhiều hơn trước một Trung Quốc trỗi dậy ngay bên cạnh. Về phần mình, ông Putin viết: "Tôi tin là sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không phải là mối đe dọa nhưng là thách thức khi chứa đựng tiềm năng khổng lồ cho hợp tác kinh doanh - một cơ hội để bắt lấy 'ngọn gió Trung Quốc' trong con thuyền kinh tế của chúng ta".

Thái An (theo indiatimes)