Tôi năm nay 30 tuổi, mới sinh con đầu lòng. Quãng thời gian tôi tổ chức cưới, tình cảm hai bên thông gia khá tốt đẹp.
Tính cách bố mẹ chồng tôi có phần khó tính, khắt khe hơn. Ông bà hay để ý tiểu tiết nhưng bố mẹ tôi lại xởi lởi.
Khi tôi có bầu, bố mẹ tôi tháng nào cũng ở Hà Nội về thăm thông gia, mang hoa quả, đồ ăn tẩm bổ cho con gái.
Ảnh: BN |
Nhiều lần, ông bà còn ở lại nhà thông gia chơi 2 ngày thứ Bảy, Chủ Nhật. Mối quan hệ giữa nội ngoại như vậy, chúng tôi là phận con cũng vui lây.
Nhà chồng tôi neo người, bố mẹ chồng đều trên 70 tuổi, đi đứng khó khăn, hay ốm đau.
Tháng cuối thai kỳ, bố mẹ tôi gọi điện cho con rể, bảo khi nào tôi sinh xong, ông bà sẽ đón về nhà chăm hết cữ. Như vậy, bố mẹ chồng tôi đỡ vất vả. Hơn nữa, tôi về ngoại, ông bà còn khỏe, có thể đỡ đần lúc đêm hôm.
Chồng tôi thấy hợp lý, cũng đồng tình, anh định hôm nào tôi sinh, sẽ trao đổi với ông bà nội.
Đêm hôm đó tôi chuyển dạ, sinh được con trai 3,5kg, trộm vía thằng bé ngoan, háu ăn. Bố mẹ tôi gọi taxi, đến bệnh viện ngay trong đêm.
Suốt 3 ngày trong viện, chị gái chồng nấu cơm mang lên, còn mọi việc chăm hai mẹ con tôi, bà ngoại làm. Ông bà nội yếu, mỗi ngày vào thăm cháu 1 lần rồi về.
Hôm tôi ra viện, bố mẹ tôi xin phép thông gia, cho đón con gái và cháu ngoại về nhà ở cữ. Khi nào hết cữ 3 tháng, sẽ đưa cháu về nhà nội.
Mẹ tôi phân tích, ông bà nội già yếu, không thể tắm rửa, giặt giũ hàng ngày cho em bé. Tôi lại mới sinh, sức khỏe còn yếu, cần có người bế con cho buổi đêm, để nghỉ ngơi.
Bố chồng lên tiếng phản đối. Ông bày tỏ quan điểm, thằng bé là cháu đích tôn, ông muốn đưa cháu về chăm sóc, không hàng xóm lại xì xào.
“Nhàn sinh cháu, việc chăm sóc lúc sinh nở là nghĩa vụ và trách nhiệm của vợ chồng tôi. Chúng tôi không làm được mới phải cậy nhờ ông bà nhưng tôi đảm bảo, mình vẫn đủ sức khỏe lo cho 2 mẹ con. Đợi cháu 6 tháng tuổi, cứng cáp, tôi cho cháu về chơi với ông bà”, bố chồng tôi nói.
Bố chồng tôi tuyên bố, sẽ thuê người về tắm rửa cho cháu nội 20 ngày, chuyện giặt giũ, cơm nước nhờ con gái cả sang phụ giúp 1 tuần đầu.
Ông bảo tôi sinh thường, sức khỏe nhanh hồi phục hơn sinh mổ nên chỉ cần nửa tháng là có thể xuống bếp nấu ăn, làm việc nhà được. Vì ngày xưa, mẹ chồng tôi sinh con 2 tuần là đi chợ bán hàng rồi.
Mẹ tôi nghe thông gia nói, tức tím mặt. Bà vốn biết điều, sống tình cảm nhưng thấy thông gia không coi trọng sức khỏe của con gái mình, liền lớn tiếng đốp chát lại.
“Con dâu ông nhưng là con gái tôi đẻ ra, tôi xót. Phụ nữ sinh đẻ yếu ớt, ông định bắt nó xuống bếp nấu nướng, phục vụ ông bà chắc? Ngày ông hỏi cưới Nhàn cho con trai ông, hai ông bà nói sẽ yêu thương nó như con ruột. Giờ ông bà làm thế, khác gì đày đọa nó”.
Lời qua, tiếng lại một hồi, bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng tôi cãi vã nảy lửa ngay hành lang bệnh viện, bảo vệ phải mời ra ngoài.
Chồng động viên tôi về nhà, vài hôm nguôi nguôi, anh sẽ lựa lời khuyên nhủ bố, cho tôi về ngoại cũng chưa muộn.
Thấy con gái ôm cháu về nhà nội, mẹ tôi chảy nước mắt, than thở tôi tự chui đầu vào chỗ khổ. Tôi ra viện 5 ngày, là 5 ngày mẹ gọi điện cho tôi khóc lóc.
Hai bên thông gia quay ra ghét nhau, chẳng biết có thể làm lành, vui vẻ như trước nữa không? Xin hãy cho tôi lời khuyên, giải quyết khúc mắc này!
Vì một chai rượu, chàng rể 10 năm không nhìn mặt bố vợ
Tôi luôn nói với bố mẹ rằng, hãy coi như tôi không có chồng, vì tôi không thể góp ý được anh ấy. Anh ấy quá cố chấp, lúc nào cũng giữ thù hận trong lòng.
Độc giả Phạm Nhàn