Tại Hội thảo Bảo vệ và phát triển quần thể chim yến đảo Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, hôm 6/7 ở Nha Trang (Khánh Hòa), ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 200-300 triệu USD/năm. 

Theo ông Phương, hiện các địa phương đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến. Một số công ty đã xây dựng phần mềm để quản lý chủ nhà yến, liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu tổ yến, sản phẩm từ yến đi Trung Quốc. 

Tuy nhiên, sản phẩm từ yến chưa có giá trị cao đúng với giá trị thực vì chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch. “Việc mua bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, đầu tư vào khâu chế biến sâu còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao”, ông Phương nói.

Công nhân làm giàn giáo bảo vệ, khai thác chim yến tự nhiên trên đảo trong vịnh Nha Trang. 

Thạc sĩ Trịnh Thị Hồng Vân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, cho hay, đây là ngành nghề mới nhưng rất triển vọng, mang lại giá trị kinh tế cao và có thế mạnh tại thị trường xuất khẩu.

Theo thống kê, sản lượng tổ yến Việt Nam khoảng 200 tấn, trị giá khoảng 170 triệu USD. Nghề nuôi chim yến theo nghiên cứu khoa học kinh tế là ngành có tiềm năng phát triển phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng hình thành đặc sản quý hiếm và giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam.

Các sản phẩm yến có giá trị của Việt Nam được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,...  

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới khi mỗi năm nhập khẩu trên 2.000 tấn, chiếm 80% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, hai nguồn chính cung cấp tổ yến chính ngạch cho thị trường Trung Quốc là Indonesia và Malaysia. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch 451,6 tấn tổ yến, trong đó 291,8 tấn đến từ Indonesia và 159,8 tấn đến từ Malaysia.

Tổ yến Việt Nam có chất lượng, được đánh giá cao hơn, song chủ yếu vẫn len lỏi vào thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và chiếm thị phần rất khiêm tốn. Vì thế, việc ký cơ quan chức năng hai nước mới đây ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc sẽ giúp ngành yến sào Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở cần chủ động tìm hiểu, tuân thủ đúng các yêu cầu, điều kiện của nước này nêu trong Nghị định thư về quản lý cơ sở nuôi chim yến, chế biến tổ yến bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang thị trường này theo đúng quy định.

Chim yến thiên nhiên trong hang đảo ở Khánh Hòa. 

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa, yến đảo thiên nhiên có giá trị kinh tế cao, là nguồn tài nguyên quý hiếm, tài sản quốc gia. Công tác nghiên cứu, bảo tồn đàn chim yến đảo, phát triển nguồn gene loài này rất cấp thiết.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn - Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - thông tin, các hang đảo yến trên cả nước tập trung nhiều ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Chim yến là loại quý hiếm, được nghiên cứu phát triển làm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm dinh dưỡng... nên cần có những nghiên cứu sâu hơn. 

Ông kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị liên quan cần ưu tiên bảo vệ nguồn lợi chim yến đảo, tăng cường các giải pháp kỹ thuật bảo vệ và mở rộng môi trường làm tổ trong hang yến, bảo vệ khu vực làm tổ của chim. Đồng thời, khai thác tổ yến thích hợp, quy hoạch duy trì các vùng kiếm ăn cho chim yến đảo và chủ động tạo thức ăn bổ sung cho chim.

Tại hội thảo, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Khánh Hòa, cho rằng để phát triển bền vững nghề nuôi chim yến đảo, các địa phương cần vào cuộc xử phạt, ngăn chặn tình trạng săn bắt chim yến trái phép.

Ông cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khai thác tổ yến một cách có khoa học, hiệu quả, chú trọng bảo vệ quần đảo chim yến phát triển ổn định; tăng cường hợp tác quốc tế trong chiến lược phát triển ngành nghề nuôi chim yến.

Nguyễn Xuân Ngọc, Bạch Thị Hân, Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Văn Hùng