Hàng nghìn người biểu tình Ai Cập vẫn tiếp tục ở lại Quảng trường Tahrir,
Cairo, sau 2 ngày xảy ra các cuộc đụng độ làm ít nhất 13 người thiệt mạng và
hàng trăm người bị thương.
TIN BÀI KHÁC:
Người đàn ông bỏ 4 triệu USD vào phép lạ nhỏ nhoi
Thế giới 24h: Đấu võ hung hãn trên biển
Hàng nghìn người biểu tình tập trung ở Quảng trường Tahrir cuối tuần qua
để phản đối các nhà lãnh đạo quân sự Ai Cập tiếp tục nắm quyền. (Ảnh:
AP)
Hôm 20/11, cảnh sát và binh lính đã có một quyết định bạo lực nhằm giải tán
người biểu tình ra khỏi Quảng trường, xả hơi cay và tấn công họ bằng dùi cui.
Tuy nhiên, người biểu tình lại trở lại một giờ sau đó, hô vang các khẩu hiệu
chống các nhà lãnh đạo quân sự của đất nước.
Còn có nhiều vụ đụng độ ở các thành phố khác, trong đó có Alexandria, Suez và
Aswan.
Theo các nguồn tin bệnh viện, tổng cộng 11 người đã thiệt mạng trong ngày 20/11
và hai người chết hôm trước đó. Giới chức y tế nói rằng có khoảng 900 người bị
thương, trong đó có 40 nhân viên an ninh.
Người biểu tình, một số đeo mặt nạ phòng độc, nói rằng họ lo ngại các nhà lãnh
đạo quân sự đang cố gắng giữ quyền kiểm soát đất nước.
Bạo lực ở thủ đô Ai Cập diễn ra một tuần trước khi các cuộc bầu cử quốc hội đầu
tiên của nước này được tổ chức kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi
tháng 2.
Cảnh sát chống bạo loạn Ai Cập trong các cuộc đụng độ với người biểu tình ở
Quảng trường Tahrir. (Ảnh: AP)
Ngày bạo lực thứ 2 ở Cairo bắt đầu hôm 20/11 khi những người biểu tình di chuyển từ Quảng trường - trung tâm của làn sóng nổi dậy hồi tháng 2 - về phía Bộ Nội vụ. Các sĩ quan đã phải xả hơi cay để đẩy lui người biểu tình, trước khi phong tỏa đoạn đường dẫn tới tòa nhà của Bộ này.
Nhiều xe bọc thép chở binh lính đã được tăng viện khi lực lượng an ninh cố gắng giành lợi thế. Hàng chục binh sĩ và cảnh sát tiến vào Quảng trường, đánh đập người biểu tình và giải tán một trại dựng ở đó. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, người biểu tình lại kéo vào bên trong.
Trong vài tuần trở lại đây, những người biểu tình - phần lớn là người Hồi giáo và các nhà hoạt động trẻ tuổi - đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống lại một dự thảo hiến pháp mà họ nói là sẽ cho phép quân đội tiếp tục nắm giữ quá nhiều quyền lực sau khi một chính phủ dân sự mới được bầu chọn ở Ai Cập.
Thanh Hảo (Theo BBC)