Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VPCMC) mới tổ chức gặp mặt báo chí, các nhạc sĩ,... thông tin về chương trình Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập. Tại buổi gặp gỡ, các nhạc sĩ, nghệ sĩ chia sẻ nhiều tâm tư trên chặng đường 20 năm đồng hành cùng VPCMC bảo vệ bản quyền âm nhạc.

Thu hơn 1.000 tỷ cho tác quyền âm nhạc

Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn -Giám đốc VPCMC, 20 năm qua (2002 - 2021) Trung tâm đã thu được trên 1.000 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước theo quy định gần 100 tỷ đồng. Bên cạnh thu tác quyền, kể từ năm 2016, Bộ phận pháp chế Trung tâm thường xuyên khảo sát, phát hiện vi phạm, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý hành vi xâm phạm ở các lĩnh vực sử dụng âm nhạc; thực hiện các bước cảnh báo vi phạm, báo cáo vi phạm, áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền theo quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của tác giả thành viên...

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: Bản quyền âm nhạc Việt Nam nói riêng, Sở hữu trí tuệ Việt Nam nói chung đã và đang phát triển, đang hội tụ đầy đủ các yếu tố để hình thành và phát triển công nghiệp văn hoá hiện đại, đáp ứng nhu cầu thủ hưởng văn hoá cũng như hội nhập với thế giới của Việt Nam. Việc tổ chức bản quyền châu Á - Thái Bình Dương (CISAC) tôn vinh VCPMC ở vị trí thứ 4 - là một trong những đơn vị hàng đầu về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt trên môi trường số khẳng định vai trò của Trung tâm rất quan trọng. Củng cố thêm niềm tin và những bước đi đúng đắn trong hoạt động của VCPMC. 

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam xúc động khi nhìn lại VCPMC đã trải qua chặng đường nhiều vinh quang, thắng lợi nhưng cũng lắm gian truân 20 năm qua. “Từ những ngày đầu, văn phòng với không gian nhỏ, mọi thao tác đơn giản, mọi văn bản đều chép bằng tay nhưng giờ mọi thứ đã khác, có những phát triển không ngờ. Có thể nói VCPMC như là những nốt nhạc đầu tiên cho bản giao hưởng nhiều chương… 

Thành tích ngày hôm nay là thần kỳ, chưa từng xuất hiện trong công cuộc đổi mới ở lĩnh vực bản quyền, bảo vệ quyền tác giả, bảo vệ những lợi ích chính đáng cho người làm sáng tạo. Đây có thể nói là hình ảnh, hình mẫu cho việc quyết liệt bảo vệ những giá trị tinh thần, sáng tạo, âm nhạc… của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói. 

Những viên gạch đầu tiên trên chặng đường bảo vệ trí tuệ, tài năng

Nhạc sĩ Văn Thao chia sẻ, khi có quyền tác giả thì cha ông - nhạc sĩ Văn Cao không còn nữa, những mỗi lần nhắc tới vấn đề tác quyền, ông lại bùi ngùi.

Nhạc sĩ Văn Thao.

"Cha tôi sáng tác bài Mùa xuân đầu tiên và bài hát được in ở Nga, được nước Nga gửi tác quyền là 100 Rúp, đối với gia đình tôi lúc đó rất giá trị. Cô em gái tôi nhận được tác quyền đó, gửi thư về thông báo cho cha tôi. Cha tôi biên thư lại và có câu như thế này: Con cứ giữ lấy mà tiêu, ở trong nước bố đã bao giờ biết được đồng tiền tác quyền nào đâu. Đến bây giờ, khi đọc lại tôi vẫn rất nghẹn ngào, cảm thấy người sáng tác không được tôn trọng. Nhưng bây giờ, khi cha tôi không còn nữa, số tiền tác quyền VCPMC trả cho bố tôi đã đủ để mẹ tôi sống ổn, anh em tôi không phải lo nghĩ nữa. Đó là niềm mơ ước của cha tôi từ xưa, vì thế, theo nguyện vọng của cha tôi, chúng tôi đã hiến bài hát Quốc ca cho Nhà nước", nhạc sĩ Văn Thao nói.

Là một trong những người đầu tiên ký hợp đồng với VCPMC, nhạc sĩ Hoài An nhận thấy “quyền lợi của mình được đảm bảo, vượt mức mong đợi”.

“Tiền bản quyền hiện tại tôi thu được gấp vài trăm lần so với 20 năm trước. Những nhạc sĩ khác cũng tương tự. Điều quan trọng nhất là người sáng tạo yên tâm về cuộc sống của mình. Ai cũng có những nỗi lo riêng, mà với người sáng tạo, việc tự mình đi lấy tiền bản quyền, gặp gỡ những trung tâm sử dụng tác phẩm nhưng không có thiện chí trả tiền bản quyền là việc rất đau đầu, khó chịu và đôi khi tôi muốn bỏ luôn. 

Kể từ khi có VCPMC, tôi không phải đối diện với những cảm xúc tiêu cực đó nữa, hoàn toàn yên tâm sáng tạo. Tôi và các đồng nghiệp nói vui rằng: Từ khi có VCPMC, một năm có 4 mùa xuân - 4 quý được nhận tiền”, nhạc sĩ Hoài An tâm sự. 

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, nhận định, việc bảo vệ tác quyền là một lĩnh vực vô cùng quan trọng. Ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ: “Năm 2015, chúng tôi có dịp sang Anh khảo sát về việc bảo quyền tác quyền âm nhạc, khi nước này kỷ niệm 100 năm cho việc bảo vệ tác quyền âm nhạc ra đời. Nghe những báo cáo của họ mới biết, để có ngành công nghiệp âm nhạc phủ sóng thế giới, họ bảo vệ nhạc sĩ, những người làm việc trong lĩnh vực âm nhạc như thế nào. Doanh thu xuất khẩu trong lĩnh vực văn hóa ở Anh khi đó đã 80 tỷ bảng, âm nhạc đóng vai trò quan trọng, tiềm năng vô cùng lớn. 

Ao ước của chúng tôi là phải xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó hạt nhân là bản quyền tác giả, từ đó chúng ta nuôi dưỡng đam mê, ngọn lửa nhiệt huyết… của nghệ sĩ. Tài năng sáng tạo và tỏa sáng mới giúp cho nền nghệ thuật phát triển, đời sống văn hóa thực sự thành nền tảng tinh thần của xã hội, giúp cho đất nước phát triển từ những gì tinh túy nhất, đó là nghệ thuật”. 

Ông Bùi Hoài Sơn mong muốn Việt Nam sẽ có nhiều thêm những trung tâm bảo vệ bản quyền không chỉ lĩnh vực âm nhạc, để từ đó nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề của mình, để họ có thể đầu tư, sáng tạo những tác phẩm truyền cảm hứng cho xã hội. 

Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sẽ diễn ra ngày 7/10 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với sự tham dự của đại biểu đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có ký thỏa thuận và hợp tác song phương (CMOs), các cơ quan quản lý văn hóa, các nhạc sĩ, nghệ sĩ… đã đồng hành, gắn bó cùng Trung tâm trong chặng đường 20 năm qua".

Điểm nhấn của Lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật đặc biệt với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, trình diễn tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng gắn bó với Trung tâm như: Phó Đức Phương, Trần Long Ẩn, Đinh Trung Cẩn…; hoạt động tri ân các nhạc sĩ đã có công sáng lập VPCMC như: Vũ Mão, Nguyễn Tài Tuệ, Phó Đức Phương...