Xuất khẩu rau quả là thế mạnh của Việt Nam nhiều năm qua. Song, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm quả giảm lại 10,7%, nhóm rau củ giảm 1,8%, nhóm lá giảm 9,5%. Chiều ngược lại, nhóm sản phẩm chế biến và hoa tươi có kim ngạch xuất khẩu tăng lần lượt ở mức 9,8% và 8,1%.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hoa tươi năm 2022 thu về gần 67 triệu USD, tăng so với con số 61,8 triệu USD của năm 2021.
Trong đó, hoa cúc giá trị xuất khẩu đạt gần 55,2 triệu USD, tăng 11,3% so với năm 2021. Hoa cúc trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất, chiếm 82,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hoa tươi của nước ta năm 2022.
Tiếp sau là lan hồ điệp giá trị xuất khẩu đạt gần 5,4 triệu USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng hoa cát tường, hoa cẩm chướng, hoa ly xuất khẩu sụt giảm với kim ngạch lần lượt là 2,3 triệu USD, 1,6 triệu USD và 0,8 triệu USD.
Ở nước ta hiện có nhiều vựa hoa tươi lớn. Sản lượng hoa tươi ngoài phục vụ tiêu thụ nội địa còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, như châu Âu, Úc, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...
Đặc biệt, tại châu Á, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu hoa lớn nhất của Việt Nam. Thống kê của Cơ quan Hải quan Nhật Bản cho thấy, năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hoa của Nhật Bản là 65,3 tỷ yen (tương đương 528 triệu USD), trong đó nhập khẩu hoa từ Việt Nam là 45 triệu USD, chiếm 8,52%, đứng thứ 4 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ xuất khẩu hoa sang Nhật Bản.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, các loại hoa Nhật Bản nhập khẩu nhiều từ Việt Nam là cẩm chướng, hoa cúc, hoa ly, hoa lan và hoa hồng.
Mới đây khi chia sẻ về ngành nông nghiệp ở Lâm Đồng, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, tỉnh này có vựa hoa cung cấp sản lượng lớn cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Nhà vườn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Nhờ đó, giá trị sản xuất trên mỗi hecta đất của Lâm Đồng được nâng lên rất cao. Cá biệt, một số vùng trồng hoa tươi trong tỉnh có thể đạt doanh thu tới 3-4 tỷ đồng/ha.