Thu nhập 10 đến 20 tỷ/tháng
"Chỉ với 20% số tiền bỏ ra là được sử dụng một chiếc xe ô tô mà không phải lo gì cả"; "Chỉ cần bỏ tiền đầu tư, sau 3 tháng sẽ hoàn vốn, sau đó có thể nhận được tiền lãi gấp 5 lần số tiền ban đầu"; "Tôi chơi là tôi chơi lớn luôn, lúc đầu là 300 triệu đồng, chơi được 3 ngày tôi lại chơi thêm 525 triệu đồng nữa"; "Chơi tài chính này nếu mà ngon thu nhập 10 đến 20 tỷ/tháng",...
Đó là những lời đường mật hấp dẫn, mời chào nhà đầu tư tham gia mạng các ứng dụng đầu tư tài chính thời 4.0.
Sau một thời gian lừa đảo, núp bóng bán hàng đa cấp bị các cơ quan quản lý mạnh tay dẹp bỏ, các nhóm, doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình này đang dần trỗi dậy với đủ chiêu trò tinh vi. Thậm chí, có đơn vị là đại diện một dự án vừa bị tố cáo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của nhà đầu tư chưa kịp xử lý xong đã nhanh chóng phủi bỏ rồi sao chép, biến tướng một dự án tương tự tiếp tục dụ dỗ người dân.
Nhiều mô hình lừa đảo kiếm tiền siêu lợi nhuận |
Đình đám là MyAladdinz. Ứng dụng này được quảng cáo có thể thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe,... với khả năng hoàn tiền lên đến 80% giá trị hóa đơn mua hàng.
Người tham gia phải nạp vào tài khoản số tiền ít nhất 100 USD (khoảng 2,4 triệu đồng), sau đó quy đổi thành “gem” (đơn vị thanh toán trong ứng dụng). Mỗi “gem” có giá trị tương ứng 1 USD.
Hệ thống đại lý phải bỏ tiền mua 300 “gem” với giá 300 USD (khoảng 7 triệu đồng). Đổi lại, chủ cửa hàng có quyền đăng ký nhiều dịch vụ như thu hộ điện nước, bán thẻ cào điện thoại, thanh toán hộ lãi vay tiêu dùng, học phí, viện phí,...
Một ứng dụng khác có gọi “IBG - sống và tiêu dùng thông minh 4.0” hoàn 80% giá trị sản phẩm. Người tiêu dùng có thể trao đổi mua bán IBG (loại tiền trong hệ thống này), đầu tư tài sản với giá trị nhân 5 lần và cũng được nhận hoa hồng khi phát triển hệ thống cấp dưới.
Những người giới thiệu khi tham gia gói đầu tư app IBG, khách hàng có cơ hội nhân 5 lần số vốn chỉ trong 6 tháng. Các gói đầu tư trên app IBG được giới thiệu từ Silver đến Diamond, tương ứng số tiền đầu tư từ 100-5.000 USD; quy đổi thành điểm nhận được từ 500-250.000 điểm và hoa hồng trực tiếp từ 5-8%; hoa hồng gián tiếp từ 1-2,5% kèm phần trăm nhận được cho mỗi giao dịch từ 0,4-0,7%.
Mới đây nhất, Etop Bank, tự xưng là ngân hàng điện tử đến từ Singapore, cũng nhập cuộc. Người chơi chỉ cần gửi tiền thật để mua tiền ảo có tên là USDT với các gói từ 200-10.000 USD, kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 năm. Lãi suất được trả theo các kỳ hạn gửi, từ 30-50%/tháng tương đương 600%/năm, cao gấp gần 100 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng trong nước.
Sau kỳ hạn gửi, người chơi sẽ được rút toàn bộ tiền gốc. Lãi suất cao nhất là kỳ hạn 3 năm, nếu người tham gia gửi 1 tỷ đồng, mỗi tháng sẽ nhận lãi 500 triệu đồng. Nghĩa là sau 3 năm người tham gia sẽ nhận 18 tỷ đồng tiền lãi và 1 tỷ đồng tiền gốc.
Một mô hình đa cấp khác là winsbank.io. Winsbank đưa ra rất nhiều lời "hứa hẹn" về tương lai của đồng tiền ảo Win và giá cổ phiếu ESR, kèm theo đó là các lợi ích lãi suất cố định từ 2% đến 12%/năm. Nhà đầu tư còn có thể nhận thêm lợi nhuận khi tham gia giới thiệu thành viên mới đầu tư vào hệ thống theo mô hình kinh doanh đa cấp.
Vỡ mộng, tiền tỷ biến mất
“Thiêu thân đa cấp” dẫn đến tiền mất tật mang, thậm chí tan cửa nát nhà. Theo thống kê chưa đầy đủ của VTV, ước tính hiện có khoảng 1.500 người là nạn nhân của đường dây Etop Bank. Đa số là đi vay để tham gia, người ít thì vài chục triệu, người nhiều đến tiền tỷ. Điển hình như iFan, với số nạn nhân lên đến hơn 32.000 người, và số tiền bị cuốn vào vòng xoáy đa cấp lên đến hơn 15.000 tỷ đồng.
Hầu hết các mô hình kinh doanh đều theo kiểu đa cấp biến tướng |
Nhận thấy những sai phạm của MyAladdinz, cơ quan chức đã đưa ra lời cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác, không tham gia nạp tiền. Công an tỉnh Bình Phước khuyến cáo, về bản chất, MyAladdinz đang lấy tiền của người sau trả cho người trước và khi không có người tham gia mua “gem” nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ. Người tham gia khó có thể lấy lại số tiền đã đầu tư. Mặt khác, ứng dụng này chưa được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp phép.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã lên tiếng cảnh báo, việc hoàn tiền với giá trị % cao chỉ thể hiện ở hành động tích điểm trên hệ thống nội bộ theo tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 0,05-0,1% mỗi ngày. Do vậy, các dịch vụ này không có ý nghĩa về việc “hoàn tiền” như đã quảng cáo.
Các loại tiền ảo, ví điện tử này chỉ có giá trị nội bộ trong hệ thống, không được pháp luật Việt Nam công nhận là trung gian để thanh toán. Người tham gia có tranh chấp liên quan đến những giao dịch này đều không được pháp luật bảo vệ.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết: "Có được lợi nhuận mấy chục % trong điều kiện dịch Covid-19 đã là rất khó trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thế giới cũng như trong nước. Còn mấy trăm phần trăm thì chúng ta chưa cần biết tổ chức đó hoạt động như thế nào, nhưng mời chào với lãi suất như thế đã thấy bất hợp pháp và lừa đảo".
Các vụ việc liên quan tới đa cấp bị vỡ lở, tiền tỷ biến mất, giấc mơ làm giàu tan biến là lời cảnh báo cho những người dân khi liều mình xuống tiền.
Trùm đa cấp hầu tòa Năm 2020, nhiều vụ việc liên quan tới đa cấp đã được cơ quan chức năng đưa ra xét xử. Tiêu biểu là vụ Công ty CP Liên Kết Việt. Đã có hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố tham gia vào hệ thống đa cấp do Lê Xuân Giang cầm đầu. Tổng số tiền của các bị hại là hơn 2.091 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí trên thực tế, thì khoản tiền các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự là hơn 1.121 tỷ đồng. Trước đó, TAND TP. Hà Nội đã tuyên án phạt 8 bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tập đoàn đa cấp Thăng Long lừa đảo 36.000 người, chiếm đoạt hơn 706 tỷ đồng. Ngày 18/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho hay đang thụ lý điều tra vụ án Nguyễn Khắc Đồi cùng đồng phạm tại Công ty Thời gian Vàng (Gold Time). Bằng hình thức lôi kéo kêu gọi nhà đầu tư, đường dây này đã có 361.086 thành viên đăng ký với 640.575 gói đầu tư, trong đó chỉ có 281.450 gói đầu tư nộp tiền thật với tổng số tiền nộp hơn 844 tỷ đồng. |
Duy Anh