Giá cam rơi tự do
Đã cuối tháng 11, những vườn cam sai quả ở xã Minh Hợp, H.Quỳ Hợp, Nghệ An - thủ phủ cam Vinh - vẫn thưa thớt mối lái đến thu mua cam dù đang là chính vụ. Bà Nguyễn Thị Dung - xóm Thọ Thành, xã Minh Hợp - cho biết, 6-7 năm trước, vườn cam này mang về cho gia đình bà khoảng 700 triệu đồng mỗi năm, còn giờ thì có khi chịu lỗ. Giá cam lúc trước từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, đỉnh điểm lên đến 70.000 đồng/kg, giờ thì thời vàng son ấy đã qua, giá cam đang xuống tận đáy, chỉ 3.000 - 5.000 đồng/kg thôi mà cũng khó bán.
Năm 2011, bà Dung trồng 2ha cam Vân Du. Đến năm 2014, vườn cam bắt đầu cho quả và giúp gia đình bà “hái ra tiền”. Lúc đó với người nông dân ở xã Minh Hợp, cây cam Vinh là loại cây giúp họ làm giàu nhanh chóng. Cam Vinh có vị ngọt, thơm dịu nên rất được thị trường ưa chuộng. Mỗi ha cam cho thu nhập 500 - 700 triệu đồng/năm. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp - cho hay, với 3ha cam Vinh, mỗi năm gia đình bà thu lợi trên 1 tỷ đồng; nếu được mùa, được giá thì có thể thu nhiều hơn nữa. Ông Hà Văn Lợi - Trưởng xóm Minh Hồ - hào hứng cho biết, nhờ trồng cam mà cuộc sống người dân nơi đây trở nên khá giả. Nhiều gia đình có nguồn thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm từ cây cam. “Vì thế nên lúc đó nhà nhà tham gia trồng cam, cam nhanh chóng phủ kín các cánh đồng”, bà Ngân nói.
Bà Đinh Thị Kim Châu - Chủ tịch UBND xã Minh Hợp - cho biết đến năm 2018, diện tích cam trong xã đã tăng lên hơn 1.700ha, gần gấp đôi so với 5 năm trước đó. Riêng tại nông trường Xuân Thành (nay là Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành), diện tích cam từ hơn 500ha lên gần 1.100ha với hơn 800 hộ dân tham gia trồng.
Diện tích tăng quá nhanh trong khi chất lượng cam lại dần đi xuống. Nhiều vườn cam sâu bệnh, thoái hóa, người trồng phải chặt bỏ. Người dân địa phương cho biết, những năm qua, ngày càng nhiều vườn cam bị nhiễm bệnh, cây còi cọc, quả rụng non hàng loạt… giá cam cũng vì thế mà liên tục rơi tự do.
Nông dân xót xa nhìn hàng tấn cam phải đổ bỏ - ẢNH: PHAN NGỌC |
Đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng cam từ năm 2017 với hy vọng sớm thu hồi vốn nhưng giờ thì anh Lê Văn Thịnh lại đứt ruột phải chặt bỏ vườn cam. “Tháng Bảy, tháng Tám, cam rất nhiều quả và quả đẹp, nhưng đến tháng Chín, tháng Mười, khi mưa xuống, cam bắt đầu rụng hàng loạt, năm nay 80% số quả đã bị rụng” - anh Thịnh nói. Giá cam quá thấp, năm 2020 anh bị lỗ hơn 20 triệu đồng. Năm nay, giá cam chỉ 5.000 đồng/kg, trong khi phải trả công cho người hái 500 đồng/kg, anh Thịnh tiếp tục bị lỗ.
Với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành, từ diện tích trên 1.000ha cam giờ phải giảm còn khoảng 400ha do cam nhiễm nấm Phytophthora, phải chặt bỏ. Số diện tích còn lại cũng cho cam không còn giữ được chất lượng, hình dáng như trước nữa. Từ cuối năm 2020, công ty này đã yêu cầu nông dân đang hợp tác với công ty tạm dừng toàn bộ việc trồng mới cây cam, quýt trên toàn bộ diện tích đất do công ty quản lý; khuyến cáo nông dân chuyển từ trồng cam sang luân canh trồng mía, ngô, ổi, lạc, đậu… trong vòng 3-5 năm để cải tạo lại đất.
Lối ra nào?
Lãnh đạo xã Minh Hợp cho biết, từ hơn 1.700ha cam năm 2018, hiện toàn xã chỉ còn chưa đến 700ha, diện tích này sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới. Ông Lê Viết Minh - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành - cho biết, cam bắt đầu cho quả từ năm thứ ba. Để đầu tư mỗi ha cam đúng chuẩn, phải chi phí từ 120 - 130 triệu đồng/năm. Do đó, để hòa vốn, giá cam phải bán được 10.000 đồng/kg. Thời gian qua, cung đã vượt xa cầu nên giá cam rớt mạnh. Bệnh nấm Phytophthora và bệnh vàng lá gân xanh (greening) tấn công cam trong khi giá cam quá thấp khiến người trồng không dám đầu tư thêm vào cam càng khiến chất lượng quả giảm mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Nghệ An - cho biết, nông dân trồng ồ ạt nhưng nhiều người lại không chú trọng về nguồn giống cây, thường chỉ mua giống trôi nổi, hoặc xin mắt ghép để tự ghép rồi trồng nên nhiều vườn cam bị thoái hóa nhanh chóng. Chưa kể các nguyên nhân khác như sâu bệnh, quy trình chăm sóc không được chú trọng…
“Để cây cam có chất lượng thì cần phải mua cây giống của nhà chuyên môn, có chất lượng. Cây cam là cây khó tính, không phải như cây khoai, cây mít mà chiết cành, hoặc mua giống trôi nổi về trồng được” - ông Nguyễn Tiến Đức chia sẻ. Bên cạnh đó, chất lượng đất ở đây đã không còn tốt sau hàng chục năm trồng cam, nấm bệnh có nhiều trong đất nên buộc người dân phải chuyển sang luân canh cây trồng khác.
“Hiện vẫn có rất nhiều vườn cam có giá trị cao bởi họ đầu tư bài bản, chăm sóc đúng kỹ thuật, lựa chọn giống tốt. Khi cam có chất lượng thì hiển nhiên thị trường tiêu thụ rất nhiều, giá cao. Còn không thì ngược lại”, ông Đức nói.
Năm 2019, Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An đã thực hiện mô hình quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại, từ đó xây dựng hướng dẫn kỹ thuật nhằm khắc phục hiện tượng “cam ngơ”, vàng lá, thối rễ tại một số vườn cam trên địa bàn. “Chúng tôi tổ chức điều tra, xác định diễn biến, quy luật phát sinh của các dịch hại chính trên cây cam, nguyên nhân khiến cam kém chất lượng, mắc bệnh rụng quả, vàng lá thối rễ. Đồng thời xây dựng mô hình, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất cam. Từ đó, tổng hợp các giải pháp để chuyển giao cho các hộ dân trồng cam trên địa bàn toàn tỉnh” - ông Đức cho biết.
Cam sản xuất hữu cơ vẫn được tiêu thụ tốt Là người đầu tiên ở xứ Nghệ trồng cam theo quy trình VietGAP và đạt chứng chỉ GlobalGAP - đủ điều kiện xuất khẩu cam sang Nhật Bản và châu Âu, ông Trịnh Xuân Giáo - chủ trang trại cam Thiên Sơn, xã Đồng Thành, H.Yên Thành, Nghệ An - cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng cam năm nay giảm 30% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, đúng quy trình nên chất lượng cam vẫn giữ nguyên, giá trên 40.000 đồng/kg. “Năm nay tôi dành 50% sản lượng, khoảng 100 tấn, để xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản, số còn lại để dành cho thị trường trong nước” - ông Xuân Giáo nói. Một số hệ thống siêu thị cũng đã đặt mua cam số lượng lớn song trang trại không đủ hàng để bán. Năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho ba giống cam Xã Đoài, Vân Du và Sông Con, được trồng tại năm huyện ở Nghệ An. Toàn tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 5.300ha cam, trong đó có gần 3.500ha cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt khoảng 16 tấn/ha. Năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc cam Vinh nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo uy tín của sản phẩm cam Vinh. |
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)
Hoài nghi chất lượng cam Vinh 'hỗ trợ nhà vườn' giá 7.000 đồng/kg
Với mức giá chỉ từ 7.000 đồng/kg, nhiều điểm bán cam xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến phố Hà Nội, các gian chợ mạng. Dù đây được quảng cáo là cam Vinh chất lượng, song nhiều người vẫn đặt ra lo ngại về vấn đề chất lượng.