Những năm 2000, TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh “nổi tiếng” bởi những quán cơm xe khách đường dài Bắc-Nam với giá trên trời...

Những năm 2000, TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh “nổi tiếng” bởi những quán cơm xe khách đường dài Bắc - Nam với giá trên trời được hành khách gắn mác “cơm tù”. Khi xe vào, nhà hàng lập tức quây kín bằng rào chắn khiến hành khách “nội bất xuất” bởi đội quân canh gác cẩn mật.

Quá khứ buồn…

Trở lại TX Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh sau 12 năm dẹp nạn “cơm tù”, có thể thấy số lượng nhà hàng ăn uống phục vụ xe khách Bắc - Nam dọc 2 bên QL1 còn lại rất ít.

Do đã có tuyến đường mới tránh TX Hồng Lĩnh nên số xe khách đường dài đi qua TX dừng nghỉ ăn cơm ở các quán cũng không còn nhiều. Rất khó khăn chúng tôi mới tìm được những nhà hàng mà trước đây hành khách đi xe vẫn gọi là quán “cơm tù”.

Trong ngôi nhà hai tầng đã cũ nằm cạnh QL1 tại khối 11, phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh, chúng tôi gặp ông Nguyễn Sử, chủ nhà hàng 126 Minh Sử - một trong hai quán “cơm tù” đã bị chính quyền TX Hồng Lĩnh rút giấy phép kinh doanh vào năm 2004 vì nhân viên quán có hành vi dọa nạt, chèn ép hành khách khi xe dừng ăn cơm tại quán.

12 năm trước, ngôi nhà này được gia đình ông Sử sử dụng làm quán cơm phục vụ khách đi xe Bắc - Nam.

{keywords}

Nhà hàng Bông Sen thay thế “cơm tù” Tá Hà

Khi nhắc tới chuyện cơm tù thuở trước, ông Sử tỏ ra rất buồn. Ông cho biết: “Sự việc diễn ra quá nhanh và bất ngờ nên chúng tôi không xử lý được. Còn việc báo chí gọi quán cơm của gia đình tôi lúc bấy giờ là “cơm tù” có phần oan uổng”.

Ông Sử kể: “Quán cơm gia đình tôi bắt đầu mở vào năm 1995. Lúc bấy giờ, mở quán cơm phục vụ xe Bắc - Nam không hề đơn giản, không phải ai muốn là mở được.

Bởi lẽ phải có đất rộng để xe ra vào đậu đỗ, có nhà ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh phục vụ nhu cầu cho khách. Vì thế, tôi đã phải gom góp tiền bạc, vay mượn gia đình bạn bè mới có tiền để dựng quán”.

Lúc đầu, quán ăn do ông Sử và vợ là bà Nguyễn Thị Minh trực tiếp nấu và bán hàng. Sau một thời gian, các xe khách biết đến quán và tới ăn ngày một đông. Mỗi ngày có 5 - 7 xe khách Bắc - Nam dừng nghỉ ăn cơm tại quán.

Lúc này, ông bà phải thuê thêm đầu bếp, người phục vụ và bảo vệ. Suốt các năm 1995 - 2004, gia đình ông làm ăn kinh doanh ổn định, không xảy ra bất cứ điều tiếng gì. Thế rồi vào ngày 31/3/2004, mọi chuyện xảy đến khi có một xe khách dừng nghỉ ăn cơm tại quán.

“Cũng giống như thường lệ, chúng tôi phục vụ cơm, nước giải khát theo yêu cầu của hành khách. Ai ăn thì gọi mua, không muốn ăn thì chúng tôi vẫn vui vẻ xếp ghế cho họ nghỉ ngơi.

Thế nhưng, hôm đó có anh Sơn, nhân viên phụ trách rê xe (hướng dẫn xe vào vị trí đỗ - PV) kiêm bảo vệ ở quán có xảy ra cãi vã với một hành khách nữ vì chị này bị say xe nôn ói ngay trước cửa quán.

Là người trực tiếp chứng kiến vụ việc, tôi thấy lẽ ra khách nên vào nhà vệ sinh hoặc nôn vào túi nylon, đằng này lại nôn ói ngay trước cửa. Anh Sơn thấy vậy liền mắng chị này: “Đã không ăn cơm tại quán lại còn nôn ói ra đây mất vệ sinh”.

Sau đó, hai bên “lời qua tiếng lại”, anh Sơn có tát chị hành khách này một cái rồi mọi người can ngăn”, bà Minh, vợ ông Sử kể.

“Sự việc tưởng chừng như đã khép lại, nhưng mấy hôm sau báo chí đưa tin, công an, chính quyền đến rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn, vậy là chúng tôi phải đóng cửa từ đó đến nay”, bà Minh cho hay.

Sau khi bị đóng cửa, gia đình ông Sử bà Minh đã cho người khác thuê toàn bộ mặt bằng kinh doanh nhà hàng ăn uống, gara ô tô. Hai vợ chồng từ chỗ là ông chủ, bà chủ nay rảnh việc xuống phụ giúp họ và trở thành người làm thuê.

Nói về sự việc 12 năm trước, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch UBND Phường Nam Hồng, nguyên Phó chủ tịch phường lúc bấy giờ cho biết: “Hiện tượng “cơm tù” chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã khiến dư luận cả nước quan tâm.

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, chúng tôi đã vào cuộc xử lý ngay. Do chủ các nhà hàng và người làm thuê ở đó đều là người địa phương nên việc xử lý không gặp nhiều khó khăn.

Các hộ kinh doanh hàng ăn bị rút giấy phép, sau đó đã chuyển đổi ngành nghề. Như gia đình ông Sử, sau khi bị rút giấy phép kinh doanh đã chấp hành rất nghiêm túc, từ đó đến nay họ làm ăn không có điều tiếng gì”.

“Cơm tù” hết... “tù”!

Rời nhà ông Sử, chúng tôi trở lại tại quán “cơm tù” Tá Hà ở khối Thuận Minh, phường Đức Thuận, TX Hồng Lĩnh, nơi vào năm 2004 có hai sinh viên đi xe khách Bắc - Nam bị hành hung vì không ăn cơm tại quán.

Hiện nay quán đã được đổi tên thành Nhà hàng Bông Sen và tiếp tục phục vụ cơm cho xe khách Bắc - Nam, xe tour du lịch.

Tại đây, lượng xe ra vào quán rất đông, khách xuống ăn cơm rất vui vẻ, không thấy cảnh “côn đồ, bảo kê” hay chèn ép khách như 12 năm trước.

Khi chúng tôi vừa đặt vấn đề thì anh Tá, chủ Nhà hàng Bông Sen liền tìm cách thoái thác vì không muốn nhắc lại chuyện cũ. Theo anh Tá, hiện khách tới ăn tại nhà hàng tuy có đông nhưng việc kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do lượng xe khách đi đường QL1 cũ giảm nhiều.

Ông Lưu Xuân Tiến, Tổ trưởng tổ dân phố Thuận Minh cho biết, trước kia khu vực này là điểm nóng về nạn “cơm tù”. Ở đây có 4 - 5 quán cơm nằm sát nhau. Khi đó, họ kinh doanh theo nguyên tắc “đã vào nhà hàng của tôi thì phải ăn ở nhà hàng tôi”.

Ngoài ra, các quán còn dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để tranh xe, giành khách nên mới dẫn đến việc thuê bảo kê. “Sau khi bị buộc đóng cửa khoảng hơn một năm thì nhà hàng này mở cửa trở lại và lấy tên Nhà hàng Bông Sen. Từ đó đến nay, họ làm ăn “chuẩn” và phát triển tốt”, ông Tiến cho hay.

Theo Báo Giao thông