Trước đây, nhà anh Linh đầu tư nuôi tôm và cá kèo. Nhưng những năm gần đây tôm khó nuôi, cá kèo lại rớt giá nên anh muốn tìm hiểu và triển khai mô hình mới có thể chủ động trong khâu cho ăn, chăm sóc và theo dõi. Biết đến môi hình nuôi lươn, anh dành 1-2 năm để tìm hiểu kỹ về cách nuôi, đầu vào - đầu ra của sản phẩm.
Được biết, mô hình nuôi lươn không bùn đã xuất hiện rầm rộ từ năm 2012-2013 nhưng thời điểm đó người dân nuôi đa phần không đem lại hiểu quả kinh tế cao. Một phần vì nguồn giống không chất lượng, phần khác do kỹ thuật nuôi còn lạc hậu. Nhưng 2 năm gần đây mô hình này lại tiếp tục bùng nổ nên anh Linh muốn mạo hiểm đầu tư vào nuôi lươn.
Từ đầu năm nay, anh bắt đầu đầu tư cả tỷ đồng vào để làm bể composite và các dụng cụ nuôi, thức ăn và lươn giống. Hiện, anh đang sở hữu hơn 150 nghìn con trong trang trại.
Lươn được nuôi bằng bể composite. |
Theo anh, mỗi người sẽ có một cách nuôi khác nhau. Bản thân anh không lựa chọn bể xi măng hay bể lót bạc như bao trang trại khác, anh chọn bể composite tiện lợi hơn về di chuyển, vệ sinh và lươn không bị trầy xước,...
“Mật độ nuôi trung bình được các chuyên gia khuyên là 200-300 con/m2. Nhưng tôi đang triển khai với mật độ 500con/m2. Như vậy, sản lượng trên diện tích sẽ cao hơn nên tôi phải thay nước nhiều hơn, mỗi ngày 4 lần để đảm bảo môi trường cho lươn phát triển khỏe mạnh”, anh chia sẻ.
Anh cho biết lươn rất dễ nuôi, lúc nhỏ chỉ cần cho ăn giun quế. Sau 1 tháng, anh sử dụng thức ăn công nghiệp trộn vào giun quế với tỉ lệ 1:10. Đặc biệt, con vật này ít khi bị bệnh, nếu có cũng ít khi lây lan nên anh không cần phải sử dụng thuốc hay bất kỳ sản phẩm nào phòng bệnh cho chúng cả.
Mỗi ngày, anh thường cho lươn ăn 3 cữ để đảm bảo chúng phát triển bình thường. “Thời gian để trở thành lươn xuất bán được còn tùy thuộc vào con giống độ tuổi, kích thước con giống. Trung bình nuôi loại 500 con giống/kg sẽ thu hoạch được sau 10-12 tháng”, anh nói.
Lứa lươn đầu tiên anh không đem bán mà để chúng đẻ con, nhân thành giống. Còn lứa tiếp theo anh dự tính 2-3 tháng tới sẽ thu hoạch được khoảng 35.000 kg lươn thương phẩm. Dù chưa bán được, nhiều thương lái đã liên hệ và đặt cọc tiền để mua lươn thương phẩm nhà anh.
Anh tính toán với giá thương phẩm 200.000-230.000 đồng/kg hiện tại, anh có thể thu về gần tỷ đồng và số tiền bán lươn giống sẽ đem đến cho anh thu nhập vài trăm triệu đồng. “Nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi, tôi có thể trả được hết số vốn đầu tư ban đầu”, anh chia sẻ thêm.
Dự tính 2-3 tháng nữa, anh thu được khoảng 35.000 kg lươn thương phẩm. |
Để có được ngày hôm nay, anh phải trải qua không ít khó khăn từ việc nghiên cứu, thiết kế bể nuôi mới cho lươn đến việc lựa chọn con giống, giá cả con giống... Không chỉ thế, chỉ bắt tay vào làm mới thực sự hiểu hết được khó khăn trong việc chăm sóc, nuôi chúng như thế nào. Nhưng sau gần 1 năm, anh đã rút ra nhiều kinh nghiệm và học hỏi, tham khảo các mô hình nuôi khác để khắc phục những điểm yếu môi hình nuôi lươn của bản thân.
Anh cũng dự tính sẽ mở rộng nuôi lươn để bán giống vì nguồn hàng giờ tương đối hiếm. Một phần sẽ để nuôi lươn thành phẩm, phần còn lại sẽ đem bán giống cho các bà con có nhu cầu, không để cho tình trạng thương lái ép giá diễn ra như hiện nay.
Lươn là một loài cá thuộc Họ Lươn. Chiều dài thân trung bình khoảng 25-40 cm, mặc dù có cá thể dài tới 1 m. Thân hình trụ, da trần không vảy, thiếu vây chẵn, vây lưng nối liền với vây đuôi, vây hậu môn. Các vây không có gai, mang thoái hóa thành một lỗ phía dưới đầu. Đuôi vót nhọn. Lưng màu nâu, bụng màu trắng hay nâu nhạt. Miệng lớn, có thể kéo dài ra được, cả hai hàm đều có các răng nhỏ để ăn cá, giun, giáp xác cùng các động vật thủy sinh nhỏ khác vào ban đêm. Hai mắt rất nhỏ.
Khi lươn vừa sinh ra, con vật này đều là giống cái. Sau khi lươn con đã phát dục, bắt đầu đẻ trứng, trong buồng trứng dần dần biến đổi tổ chức tế bào sinh ra trứng trước đây biến đổi thành tinh hoàn sinh ra tinh trùng, lươn cái cũng liền biến thành lươn đực có thể phóng ra tinh trùng. Đặc tính này của lươn được các nhà khoa học gọi là "đảo ngược giống".
(Theo Dân Việt)