GS.TS - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết như vậy tại Hội thảo Kiểm toán chuyên đề về việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19, diễn ra sáng 19/1.

Cần xem xét trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc"

Ông Thuấn nói rằng, một số ý kiến đề nghị Bộ Y tế mua sắm tập trung để đảm bảo tính thống nhất trên cả nước. Tuy nhiên, việc này rất rủi ro vì việc từng cơ quan, đơn vị, địa phương xác định nhu cầu về chủng loại, số lượng và thời gian mua là rất khó khăn.

Trong khi đó, nếu Bộ Y tế mua sắm tập trung thì mặt hàng đó có thể không phù hợp với nhu cầu sử dụng của đơn vị. Do đó, ông đề xuất các địa phương thực hiện mua sắm theo phương châm “4 tại chỗ”; công khai giá bán, kết quả lựa chọn nhà thầu mua  sắm vật tư; kê khai giá trang thiết bị, đưa một số mặt hàng vào danh mục hàng bình ổn giá.

Trong quá trình thanh tra, kiểm toán, vị Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, các đoàn cần xem xét tính chất khách quan bản chất của sự việc. Bởi, trong tình huống “chống dịch như chống giặc”, việc mua sắm có thể có những thiếu sót về thủ tục hành chính nên cần xem xét, đánh giá thận trọng, khách quan, không thể có đầy đủ hồ sơ như đấu thầu trong tình huống thông thường. 

{keywords}
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Cần đánh giá khách quan về việc một số đơn vị không sử dụng hết trang thiết bị y tế

Ngoài ra, cũng cần đánh giá khách quan về việc một số đơn vị không sử dụng hết trang thiết bị được đầu tư vì dịch bệnh diễn biến rất khó lường, phức tạp nên tránh quy kết là thất thoát, lãng phí. Như tại Bệnh viện Bạch Mai, trong cấp bách đã mua sắm đầu tư nhiều tài sản, công cụ cho các Trung tâm ICU. Nhưng 2-3 tháng sau hoàn thành nhiệm vụ, Bạch Mai chuyển số tài sản này cho các bệnh viện khác (thừa so với nhu cầu) mà không dám quyết toàn với kinh phí ngân sách Nhà nước. 

Tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nêu một số khó khăn mà ngành y tế gặp phải trong giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19.

Tại Nghị quyết 86, Chính phủ đã cho phép sử dụng ngân sách nhà nước chi trả cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung,  điều trị theo chi phí thực tế; chi phí điều trị các bệnh khác thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên, thực tế vừa qua, có thời điểm dịch bùng phát mạnh, khiến số lượng bệnh nhân điều trị Covid-19 tăng mạnh nên ngành Y tế không đủ nhân lực, thời gian để bóc tách chi phí. Chưa kể, nhiều bệnh nhân khi nhập viện không mang giấy tờ tùy thân, không mang theo tiền hoặc điều trị rồi tử vong cũng không thể liên hệ với người nhà nên không thể thu viện phí.

Với bất cập này, Bộ Y tế, Chính phủ đã báo cáo và Ủy ban Thường Vụ QH đã ký ban hành Nghị quyết số 12 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Trong 4 đợt dịch Covid-19, để đáp ứng kịp thời việc điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm cho các địa phương khi dịch bùng phát, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho một số viện, bệnh viện và một số đơn vị thuộc Bộ hỗ trợ công tác lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho một số tỉnh.

Ngoài sự hỗ trợ của Bộ, các đơn vị này cũng phải mang test, kít và nhân lực đến các địa phương thực hiện xét nghiệm. Tuy nhiên, đến nay một số đơn vị vẫn chưa được địa phương chi trả. Đơn cử, theo TS. Đỗ Minh Trí, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh viện đã chi 30 tỷ để xét nghiệm và điều trị cho người bệnh nhiễm Covid-19, nay chưa được thanh toán.

{keywords}
Kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực chống Covid-19 trong hai năm 2020-2021

Bộ Y tế đã kiến nghị Bộ Tài chính cho phép Bộ được sử dụng ngân sách Nhà nước cấp cho các bệnh viện để trả số tiền trên, thu về một đầu mối, tránh chồng chéo. Nhưng, Bộ Tài chính dẫn quy định cho rằng, các địa phương phải có trách nhiệm chi trả. Trong khi, bản thân một số địa phương cho hay do nguồn lực đã cạn nên cũng không có kinh phí thanh toán.

Theo ông Nguyễn Xuân Lựu, Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội, cần có cơ chế quản lý tài chính tài chính riêng trong thời dịch, hiện chúng ta vẫn quản lý theo cơ chế quản lý tài chính ngân sách, trong khi phòng chống dịch phải ra quyết định ngay. Ông kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế cần nghiên cứu có cơ chế trình các cấp, vừa đáp ứng nhu cầu khẩn cấp phòng chống dịch, vừa tránh sai sót.

Trục lợi từ dịch bệnh là tình tiết tăng nặng

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, khi phát biểu đặc biệt lưu ý việc kiểm toán cần đặt trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc", với nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ. 

Do đó, ông Cường lưu ý, kiểm toán cần làm rõ sai phạm do yếu tố khách quan trong bối cảnh chống dịch và các sai phạm có yếu tố trục lợi. Ông nhấn mạnh, những vi phạm do năng lực, hay khó khăn khách quan bởi dịch bệnh, vướng mắc về cơ chế thì có thể thông cảm. Song, vi phạm do cố tình trục lợi cần phải xử lý nghiêm. "Đặc biệt, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi còn là tình tiết tăng nặng", ông nói.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH, cho hay, dịch bệnh diễn biến bất ngờ, phức tạp, công tác phòng chống dịch hết sức cấp bách, với nhiều cơ chế, chính sách ban hành khác quy định và chưa có tiền lệ. Vì vậy, kiểm toán cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh bất thường, đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng, minh bạch, làm rõ hiệu quả các cơ chế chính sách cũng như làm rõ xem có việc cài cắm, trục lợi hay không.

Ông Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, thừa nhận, đây là chuyên đề khó, dự kiến không có trong kế hoạch kiểm toán của ngành trong năm 2022.

Việc tiến hành kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 cùng cùng thời điểm với Thanh tra Chính phủ kiểm tra việc mua sắm thiết bị, kít xét nghiệm tại Bộ Y tế, Hà Nội và TP.HCM, theo ông Họa, để hai bên sớm thống nhất, đưa ra các nhận định, như đặt nội dung kiểm toán vào thời điểm nào, vận dụng theo quy định pháp luật ra sao,... cho phù hợp. Các đơn vị được kiểm toán cũng không quá lo ngại về sự chồng chéo, trùng lắp hay thời gian kiểm toán. 

Những bất cập về hàng hỗ trợ

Theo Bộ Tài chính, năm 2021, cả nước đã huy động được gần 145 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch, trong đó có 125.450 tỷ từ NSNN; 19.247 tỷ huy động từ đóng góp của các tổ chức, DN, cá nhân trong và ngoài nước. Các quốc gia tổ chức cũng tài trợ, đóng góp nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, kít test xét nghiệm,... 

Cái khó hiện nay, ông Nguyễn Xuân Lựu, Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội, chỉ ra rằng, cần có cơ chế để định mức, định giá hiện vật thuộc sở hữu toàn dân.

Ông cho hay, rất nhiều tổ chức, DN cá nhân ngoài tiền mặt còn hỗ trợ trang thiết bị - điều mà các địa phương mong muốn để đỡ phải mua, tránh sai sót khi bị thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, vấn đề là giá xác định tài sản viện trợ này theo giá của nhà tài trợ hay giá của nhà sản xuất, vì việc hạch toán sẽ ảnh hưởng liên hoàn sau này. Như Hà Nội tiếp nhận 39 xe ô tô, mỗi đơn vị tài trợ có mức giá khác nhau.

Rồi kít test, vật tư, dịch phẩm thì có xác nhận sở hữu toàn dân không? Ngoài ra, một số DN đã tài trợ bằng tiền, sau đó thay đổi muốn rút ra mua hiện vật để hỗ trợ thì nội dung này cũng cần được quy định cụ thể.

Ngọc Hà

Kiểm toán toàn diện việc huy động nguồn lực phòng chống Covid-19, trừ kít xét nghiệm

Kiểm toán toàn diện việc huy động nguồn lực phòng chống Covid-19, trừ kít xét nghiệm

KTNN sẽ triển khai kiểm toán chuyên đề về việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 tại 32 tỉnh, thành và các bộ, ngành; không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm.