20 năm người Việt mới cao thêm 3 cm
Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động chương trình Sức khoẻ Việt Nam, là sự kiện rất ý nghĩa nhân ngày truyền thống của ngành y tế. Thủ tướng nhấn mạnh, sức khoẻ là vốn quý nhất của toàn dân và toàn xã hội.
Thủ tướng dẫn lại câu nói của Bác Hồ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi 1 người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi 1 người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ, dân cường thì nước thịnh”.
Theo Thủ tướng, muốn giữ gìn, nâng cao sức khoẻ, phát triển tầm vóc, cần đồng thời thực hiện tốt cả 3 yêu cầu: Vệ sinh phòng bệnh, ăn uống điều độ, đảm bảo dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên..."
Thủ tướng phát động chương trình Sức khoẻ Việt Nam |
Để làm được điều đó, phải coi bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khoẻ là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình và cả hệ thống chính trị.
Thủ tướng đánh giá, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là tăng tuổi thọ và thực hiện được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ.
Theo đánh giá của WHO và nhiều tổ chức quốc tế khác, các chỉ số chăm sóc sức khoẻ của Việt Nam như tuổi thọ, kiểm soát bệnh tật, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh, hiệu quả khám chữa bệnh... cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế, một số chỉ số thậm chí ngang bằng với các nước phát triển có thu nhập khá.
Tuy nhiên sự nghiệp bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khoẻ nhân dân vẫn còn nhiều bất cập, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới là mặt trái của công nghiệp hoá, đô thị hoá, toàn cầu hoá như già hóa dân số, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sống, nhiều thói quen xấu làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật.
“Đặc biệt các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh hô hấp mãn tính... đang gia tăng, chiếm hơn 70% số tử vong hàng năm”, Thủ tướng dẫn chứng.
Ngoài ra, việc phòng bệnh, phát hiện sớm và quản lý chăm sóc người bệnh tại y tế cơ sở vẫn chưa được chú trọng.
Bằng chứng, dù tuổi thọ người dân Việt Nam tương đối cao nhưng trung bình có đến 10 năm phải sống với bệnh tật, làm giảm rất nhiều chất lượng cuộc sống.
Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam cũng chưa được cải thiện nhiều, chiều cao của thanh niên trung bình chỉ đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ, tức sau hơn 20 năm mới tăng được 3cm.
Để chăm sóc toàn diện sức khoẻ nhân dân, nâng cao tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống cho người Việt Nam, từ 2018, Thủ tướng đã phê duyệt chương trình Sức khoẻ Việt Nam, mục tiêu đến năm 2030.
Kêu gọi người dân tích cực tập thể dục
Để đạt được 11 mục tiêu trong chương trình, Thủ tướng yêu cầu toàn hệ thống chính trị và toàn dân phải nâng cao nhận thức, giúp người dân có kiến thức chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, gia đình cho cả cộng đồng, tuyên truyền các hành vi lối sống tốt, nhằm tạo ra phong trào có sức lan toả sâu rộng, trở thành thói quen trong cộng đồng.
Cùng làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, cần cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu để người dân được kiểm tra sức khoẻ định kỳ, phát hiện sớm bệnh, được tư vấn hướng dẫn, chăm sóc, quản lý liên tục tại nơi sinh sống, đặc biệt những người mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi, để mọi người dân được chăm sóc, quản lý sức khoẻ ngay từ trong bụng mẹ.
Bộ trưởng Y tế, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park và HLV Park Hang Seo cùng đi xe đạp mang theo các thông điệp của chương trình Sức khoẻ Việt Nam |
Thủ tướng cũng kêu gọi người dân giảm các yếu tố nguy cơ có hại cho sức khoẻ, chú trọng giảm tiêu thụ thuốc lá, nước ngọt có đường, rượu bia và các thực phẩm chế biến sẵn, cải thiện và bảo vệ môi trường sống.
Khuyến khích các tổ chức sản xuất kinh doanh cung cấp thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng cho từng lứa tuổi, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng nhất là trẻ thấp còi.
Đặc biệt, Thủ tướng kêu gọi toàn dân phát triển thể dục thể thao, tăng cường rèn luyện cơ thể, đi bộ, đi xe đạp, trước hết trong hệ thống giáo dục, tạo sự lan toả sâu rộng phát triển thể dục thể thao trong các cơ quan, xí nghiệp và toàn xã hội.
“Tôi kêu gọi mỗi người chúng ta hãy bắt đầu ngay từ việc thực hiện và duy trì những hành vi, lối sống lành mạnh, có lợi sức khoẻ để bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Thường xuyên kiểm tra sức khoẻ, có chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, giảm muối, ăn nhiều rau xanh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và điều quan trọng là thường xuyên vận động thể lực, rèn luyện thể dục”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước, việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ cũng nên làm và ai cũng làm được.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng kêu gọi mỗi người dân hãy chủ động, tự nguyện và hiểu biết trong chăm sóc sức khỏe của chính mình, thực hiện các khuyến cáo chăm sóc sức khỏe cho bản thân như đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; tăng cường vận động thể lực: đi bộ 10.000 bước mỗi ngày, tập thể dục giữa giờ trong công việc, học tập; không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia; tiêm chủng đầy đủ theo đúng lịch.
Đặc biệt cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, điều trị sớm, giảm bệnh tật, tử vong, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Bộ trưởng hi vọng chương trình Sức khỏe Việt Nam sớm trở thành hiện thực, đạt được các mục tiêu đề ra để trong tương lai không xa để người dân Việt Nam có tầm vóc, thể lực, sức khỏe tốt hơn, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ cao hơn, góp phần xây dựng đất nước ta phồn vinh, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thúy Hạnh
s
Xem Bộ trưởng Y tế hướng dẫn tập thể dục giữa giờ
- Giữa giờ các cuộc họp, Bộ trưởng Y tế luôn gương mẫu tập thể dục tại chỗ theo bài tập của Nhật Bản.