Chiều 30/10, theo giờ địa phương, tại Thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8.

Nhấn mạnh Hội nghị sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 được ví như hội nghị “Davos trên sa mạc”, Thủ tướng đánh giá cao chủ đề “Chân trời vô tận: Đầu tư ngày hôm nay, định hướng cho ngày mai”.

Ở bất cứ nơi đâu cũng cần khuyến khích đầu tư cho phát triển

Theo Thủ tướng, hội nghị là cơ hội tốt để chúng ta cùng trao đổi, chia sẻ, đưa ra các sáng kiến hợp tác đầu tư, vượt qua mọi giới hạn để hướng đến tương lai phát triển bền vững, thịnh vượng.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, thế giới ngày nay có xu hướng phân cực hóa về trật tự chính trị; đa dạng hóa về thị trường sản phẩm; xanh hoá về sản xuất kinh doanh; số hóa mọi hoạt động của con người, xã hội; ảnh hưởng đến mọi quốc gia, khu vực, mọi lĩnh vực, mọi người dân.

Bối cảnh đó đòi hỏi tất cả chúng ta, mọi chủ thể liên quan phải cùng chung tay giải quyết với cách tiếp cận mang tính tổng thể, toàn dân, toàn diện và toàn cầu.

thutuong00.jpg
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8. 

“Tất cả chúng ta đều ý thức rõ sự cần thiết phải đầu tư một cách có hiệu quả, có trách nhiệm, có định hướng cho tương lai, vì sự phát triển bền vững, bao trùm, toàn diện, thịnh vượng của các quốc gia, các dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn của mọi người dân”, Thủ tướng nêu thông điệp.

Trong đó, điều đặc biệt quan trọng là "không chính trị hóa đầu tư phát triển". Ở bất cứ nơi đâu cũng cần tập trung khuyến khích mọi khoản đầu tư cho phát triển, nhất là đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu để phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng quốc gia, dân tộc, từng chủ thể cùng vươn lên, hướng đến “chân trời vô tận”.

Đầu tư hôm nay, định hướng cho ngày mai

Tại hội nghị lần này, Việt Nam mong muốn các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt, định hướng sự phát triển theo tinh thần “Đầu tư ngày hôm nay, định hướng cho ngày mai”.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cần đồng hành hỗ trợ, giúp đỡ, thúc đẩy hợp tác, đầu tư tại các nước đang phát triển, các nước nghèo, “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong một thế giới tốt đẹp.

Vượt qua sự cách xa về địa lý, Việt Nam và các quốc gia khu vực Trung Đông nói chung cũng như Saudi Arabia nói riêng từ lâu đã có truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, các quốc gia Trung Đông đều đặt Việt Nam vào vị trí ưu tiên trong “chính sách hướng Đông” của mình.

Đây là nền tảng quan trọng để hai bên khai thác những tiềm năng, thế mạnh của nhau, bổ trợ cho nhau, đưa quan hệ lên tầm cao mới, toàn diện hơn, sâu sắc hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn cả về chính trị, kinh tế, đầu tư.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam và Saudi Arabia có nhiều điểm tương đồng và có những thế mạnh có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Đặc biệt, hai bên đều quý trọng thời gian, trí tuệ, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu...

Với vị trí địa lý thuận lợi, hai bên cần phối hợp chặt chẽ, cùng nhau trở thành cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Đông.

Cùng nhau hướng đến “Chân trời vô tận"

Việt Nam mong muốn các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư Saudi Arabia, Trung Đông và thế giới tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và với các đối tác Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực các bạn có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.

Trong đó có chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, hạ tầng thông minh, quản trị thông minh…

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn kiên định chính sách tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư.

Việt Nam luôn đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, có tính cạnh tranh cao trong khu vực, toàn cầu; không ngừng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ưu tiên các ngành, lĩnh vực mới nổi, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh.

Việt Nam đang tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, logistics để tiết giảm chi phí, thời gian, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và hạ tầng y tế, giáo dục để bảo đảm phúc lợi cho nhà đầu tư.

Việt Nam luôn hết sức quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đồng thời, Việt Nam đầu tư củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, tạo nền tảng vững chắc để bảo đảm an ninh, an toàn và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, lâu dài, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo Thủ tướng, Saudi Arabia có câu ngạn ngữ: ''Một bàn tay không tạo nên tiếng''; Việt Nam có tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”.

“Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Saudi Arabia, Việt Nam nói riêng, Trung Đông và trên toàn thế giới nói chung, cùng đồng hành, phát huy tinh thần “ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay”, tăng cường hợp tác đầu tư với nhau, cùng nhau hướng đến “chân trời vô tận”, vì một thế giới phát triển an toàn, bền vững, thịnh vượng”, Thủ tướng kết bài phát biểu của mình. 

Việt Nam đã nỗ lực không mệt mỏi, kiên quyết, kiên trì, kiên định thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, hội nhập và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, vươn lên thuộc nhóm 34 nền kinh tế lớn trên thế giới; nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, mở cửa thị trường với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 8 quốc gia, quan hệ Đối tác Chiến lược với 10 quốc gia, quan hệ Đối tác Toàn diện với 14 quốc gia; là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức khu vực, quốc tế.