- Số đông độc giả hiến kế nên thay thế bằng mô hình thư viện điện tử sẽ thuận hơn cho việc tra cứu. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho hoạt động thư viện hiện mới chỉ dừng lại ở vài trăm triệu/ năm thì để đầu tư thư viện điện tử như thư viện Tạ Quang Bửu (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) là "giấc mơ xa lắm" của không ít trường ĐH Việt...

TIN LIÊN QUAN:

Ảnh minh họa

Xóa thư viện truyền thống

Nhiều ý kiến cho rằng, các trường ĐH nên số hóa tài liệu để nâng cao chất lượng, hiệu quả của thư viện.

Giải pháp sách điện tử và báo chí điện tử cho các trường ĐH Việt Nam theo độc giả Đỗ Tuấn: “Cần cái server tốt, một năm bỏ vài trăm ngàn đô mua trọn gói các sản phẩm (download không giới hạn số lượng) của vài nhà xuất bản lớn thế giới như Springer. Mỗi sinh viên có 1 tài khoản truy cập, download sách vở theo hướng dẫn của giảng viên về rồi đọc trên máy tính hoặc in ra giấy."

"Kinh tế hơn thì Bộ GD-ĐT đứng ra mua trọn gói các sản phẩm của vài NXB uy tín trên thế giới, sau đó phân bổ cho các trường ĐH… Mỗi giáo trình chỉ cần mua 1-2 cuốn, sinh viên muốn đọc nhiều thì photo ra. Mỗi chủ đề cần 5-10 giáo trình do các tác giả khác nhau viết để đa dạng chọn lựa cho sinh viên" - lời độc giả Tuấn.

Giảng viên của một học viện mạng thuộc TP.HCM dẫn dụ, đã có một số trường ở Việt Nam áp dụng mô hình thư viện điện tử như ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, CĐ Sư phạm Huế…rất hiệu quả.

“Giải pháp thư viện số áp dụng công nghệ "điện toán đám mây" sẽ giải quyết được bài toán khó khăn về kinh phí của hầu hết các thư viện hiện nay để xây dựng được một thư viện kinh phí thấp nhất hiệu quả cao nhất” – giảng viên này khẳng định.

Đồng quan điểm, anh Lê Vũ Tuấn Hùng - giảng viên của ĐHQG TP.HCM nói: “Hiện nay, ở các thư viện hiện đại, ngoài sách vở in dưới dạng truyền thống thì hầu hết các loại sách báo khoa học được phổ biến dưới dạng điện tử. Trong ĐHQG TP.HCM đều đăng ký mua các trang web này, sinh viên và giảng viên chỉ cần ở nhà truy cập”.

Số đông ý kiến độc giả cho rằng, Internet chính là một dạng thư viện rất hiệu quả, thậm chí có ý kiến đề xuất “không cần thư viện nữa”. Qua rồi thời mà các ông thầy găm đồ đánh đố học trò. Bây giờ có Internet rồi, không cần thư viện truyền thống nữa. Nên thay thế bằng các "thư viện điện tử"...

Thay thế bằng "thư viện điện tử"?

Độc giả Huy nhận xét: “Tôi không đồng ý với ý kiến thư viện trên mạng là ổn. Nó chỉ giúp ta tra cứu nhanh thôi! Để xem xét cái gì dùng tư duy vẫn phải có văn bản, phải có sách”.

Một lý do khác được đưa ra để chứng minh rằng Internet không phải là giải pháp hoàn hảo: “Thư viện khác Intenet vì thông tin trên Intenet có độ chính xác không cao, nhất là với các thông tin để làm công tác khoa học”.

Bàn về vấn đề này, thầy Bùi Việt Thắng (giảng viên môn Văn học Việt Nam, Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn) nói: “Bản thân tôi là giảng viên của trường đã 37 năm rồi nhưng thú thực là tôi cũng rất ít khi lên thư viện. Bởi vì thư viện theo kiểu của ta hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là với những người làm nghiên cứu. Thậm chí, đòi hỏi của SV cũng rất tối thiểu nhưng cũng không đáp ứng được".

"Tôi nghĩ là thư viện điện tử là điều tất yếu mà chúng ta phải làm trong tương lai. Theo tôi, mô hình thư viện điện tử cần phải xúc tiến nhanh. Chúng ta có "Chính phủ điện tử" rồi thì chẳng có lý do gì không thể có "thư viện điện tử.

Tuy nhiên, thư viện điện tử có hình thành thì thư viện truyền thống vẫn tồn tại song song. Nó là văn hóa đọc. Chúng ta đọc báo trên mạng rất nhiều nhưng không thể không đọc báo in” - thầy Thắng nói.

Cùng quan điểm không thể bỏ thư viện truyền thống, TS Nguyễn Quang Liệu (giảng viên khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn) vẫn đánh giá cao mô hình “Thư viện truyền thống".  Bởi những môn như Văn, Triết, Ngôn ngữ… người ta cần những tư liệu gốc. Tư liệu gốc lưu giữ trong các tài liệu truyền thống có độ tin cậy cao hơn. Người ta thích vào những thư viện đó hơn.

"Thư viện điện tử có thể tra cứu ở mọi lúc, mọi nơi. Nhưng để có một không gian yên tĩnh để nghiên cứu, tra khảo thì thư viện hiện nay của chúng ta là tốt hơn. Theo tôi, phải kết hợp cả hai hình thức. Nền tảng vững chắc vẫn là thư viện truyền thống” - lời thầy Liệu.

Còn thư viện trên mạng, theo thầy Liệu, những thông tin này chỉ nên làm tài liệu tham khảo, chứ không dựa vào đó để có những quyết định trong giảng dạy.

Có thể nói, sự cần thiết của thư viện điện tử là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho hoạt động thư viện hiện mới chỉ dừng lại ở vài trăm triệu/ năm thì để đầu tư thư viện điện tử như thư viện Tạ Quang Bửu (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) là "giấc mơ xa lắm" của không ít trường ĐH Việt...

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)