Từ thập niên 90, chương trình “Hướng tới một xã hội Châu Âu không ngừng học tập” đã phát triển và sử dụng định nghĩa sơ khai về thành phố học tập như sau: Một thành phố, thị trấn hoặc khu vực được gọi là “học tập” nếu nhận thức và thấu hiểu được vai trò chủ chốt của học tập trong việc phát triển sự thịnh vượng, bền vững của xã hội, thỏa mãn nhu cầu cá nhân và huy động toàn bộ nguồn nhân lực, vật chất và tài chính một cách sáng tạo, thận trọng nhằm phát huy tối ta tiềm năng của tất cả công dân trong phát triển thành phố đó.

W-hoctap.png
Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, mỗi thành phố lại có những đặc điểm khác biệt về văn hóa, sắc tộc, cấu trúc xã hội, đa dạng quan điểm và tín ngưỡng.

Vì vậy, trong bối cảnh xây dựng Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu, UNESCO định nghĩa: Một “Thành phố học tập” là một thành phố đầu tư vào chất lượng học tập suốt đời cho mọi công dân nhằm:

Thứ nhất, giải phóng tất cả tiềm năng của công dân thành phố đó.

Thứ hai, đầu tư vào sự phát triển bền vững tại nơi làm việc.

Thứ ba, khơi dậy và tiếp thêm năng lượng cho các cộng đồng dân cư của thành phố.

Thứ tư, thúc đẩy động lực làm việc của lãnh đạo thành phố.

Thứ năm, khai thác giá trị sáng tạo của các đối tác cấp địa phương, khu vực và quốc tế.

Thứ sáu, đảm bảo thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

Hoàn thành những nhiệm vụ trên, thành phố giải phóng được sức mạnh nội sinh và tận dụng tất cả tài nguyên, từ đó tạo ra năng lực của cá nhân, kết nối xã hội, phát triển bền vững về cả văn hóa và kinh tế. 

Hiện nay, Việt Nam có 5 thành phố nằm trong mạng lưới 294 thành phố học tập toàn cầu trên thế giới được UNESCO công nhận, đó là: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Vinh (Nghệ An), thành phố Sa Đéc và Cao Lãnh (Đồng Tháp), thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương).

Để trở thành thành viên “Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu”, các thành phố cần cam kết tạo điều kiện cho mọi người dân học tập suốt đời. UNESCO tiến hành xét duyệt hồ sơ hết sức chặt chẽ, bởi các chuyên gia độc lập hàng đầu về giáo dục, căn cứ trên 42 tiêu chí.

Tham gia “Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu” sẽ giúp cho các thành phố và người dân có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm thông qua một mạng lưới năng động gồm tới 356 thành phố trên toàn thế giới. Các thành phố cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình xây dựng thành phố học tập, được ứng cử Giải thưởng Thành phố học tập của UNESCO.

Những điều này mang lại cơ hội hết sức to lớn cho các thành phố trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy quan hệ đối tác và các mạng lưới kết nối của mình nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân, nâng cao uy tín quốc tế, tăng khả năng thu hút đầu tư…, qua đó đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của các thành phố nói riêng và của đất nước nói chung.

Hoài Bắc và nhóm PV, BTV