Tôi và chồng yêu nhau từ thời đại học. Thời gian yêu, tôi và anh có thai 2 lần. Cả 2 lần, anh đều nói chúng tôi còn trẻ, sự nghiệp chưa có nên chuyện con cái phải gác lại.

Tôi nghe lời anh, đến phòng khám tư giải quyết hậu quả. Năm 27 tuổi, chúng tôi mới làm đám cưới.

Cưới xong, vốn liếng chúng tôi có được là 500 triệu. Hai vợ chồng bàn nhau vay thêm ngân hàng, mua căn hộ chung cư.

Cuộc sống của chúng tôi ổn định. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn vì nhiều tháng sau cưới, tôi vẫn không thấy tin vui.

Chúng tôi đi bệnh viện khám, bác sĩ nói, tôi bị u xơ tử cung. Việc có thai là khó khăn nhưng vẫn có hy vọng.

Tôi đã nghe lời bác sĩ, chịu khó phẫu thuật và điều trị. Tuy nhiên, 4 năm sau khi phát hiện bệnh, tôi vẫn chưa thể mang thai.

Nỗi buồn chưa vơi thì tháng 12 năm ngoái, tôi ngã xe máy. Một chân bị gãy phải nằm bó bột. Vì vậy, tôi quyết định nhờ mẹ chồng đến chăm sóc.

Bố chồng tôi mất sớm, bà vốn ở quê một mình. Nhiều lần, tôi đã bàn với chồng đưa bà lên ở cùng để cả nhà vui vẻ. Tuy nhiên, mẹ chồng tôi tham việc đồng áng. Bà hẹn khi nào có cháu nội mới đến nhà chúng tôi.

Lần này, tuy chưa có cháu nội nhưng chân tôi không thể đi lại. Bà cũng không có lý do chối từ.

Bà đến nhà tôi, lo cơm nước, hỗ trợ dọn dẹp cho hai vợ chồng. Tính bà lại xởi lởi, vui vẻ nên mẹ chồng nàng dâu rất hợp nhau.

Ngày nào hai mẹ con cùng trò chuyện thân thiết. Bà động viên tôi yên tâm nghỉ ngơi để nhanh hồi phục sức khỏe. Bà còn bảo, chuyện con cái cũng đừng quá nặng nề.

Chồng tôi là con một nhưng nếu khó sinh, chúng tôi có thể nhận con nuôi. Ở quê bà, nhiều người đi xin con. Họ nuôi dạy tốt nên con cái rất ngoan ngoãn, hiếu thảo. Tôi nghe bà nói, cảm động đến rơi nước mắt.

Ai ngờ, vào một đêm mất ngủ, tôi thức dậy phát hiện chồng tôi đang ngồi bên phòng mẹ. Cả hai nói chuyện rì rầm nhưng cũng đủ để tôi hiểu được nội dung.

Trong câu chuyện đó, bà khuyên chồng tôi nên kiếm bên ngoài một đứa con. Khi chuyện đã rồi, tôi sẽ phải chấp nhận hoặc ly hôn hoặc nuôi con cho chồng.

Chồng tôi có vẻ ngần ngại nhưng bà nói dứt khoát: ‘Anh là con một, phải lo nối dõi tông đường’.

Tôi điếng người, nước mắt chảy tràn nhưng vẫn cố mím môi, tránh bật ra tiếng khóc.

Hai hôm sau, trong bữa cơm, bà nói với vợ chồng tôi, bà có người cháu họ, đang làm quán cafe ở Hà Nội.

Đợt này, con bé bị mất việc, lương lậu không có nên muốn đến nhà tôi ở nhờ. Con bé sẽ lo cơm nước, dọn nhà. Khi nào tìm được việc mới, cháu sẽ chuyển đi.

Tôi hỏi chồng tôi về cô cháu này nhưng chồng tôi chỉ biết qua loa. Trong trí nhớ của anh, cô bé đó ở cùng làng, nhà khó khăn. Mẹ mất sớm nên không được học hành nhiều.

Tôi nghe xong chỉ im lặng.

Nếu như trước kia, tôi chắc chắn sẽ đồng ý. Tuy nhiên, kể từ khi nghe được cuộc nói chuyện của chồng và mẹ chồng, tôi thấy nghi ngờ và suy diễn mọi thứ.

Tôi có nên nói thẳng suy nghĩ của mình? Hay âm thầm ngăn cản mọi chuyện.

Mời độc giả gửi câu chuyện của mình về địa chỉ email: Bandoisong@vietnamnet.vn. Chia sẻ của bạn sẽ được đăng trên mục Tâm sự nếu phù hợp. Trân trọng cảm ơn!
Chuyện ít biết về quán ăn hơn 100 năm ở Bình Thuận

Chuyện ít biết về quán ăn hơn 100 năm ở Bình Thuận

Phan Thiết từ xa xưa đã có nhiều sản vật, công trình, cơ sở nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc tồn tại đến ngày nay. Nam Thạnh Lầu, Kim Sơn Lầu là hai trong số những niềm tự hào của người Phan Thiết (Bình Thuận).

Linh Anh (Hà Nội)