Là một trong những quốc gia sớm ý thức được những hệ quả và tác hại do hoạt động rửa tiền mang lại, Việt Nam đã rất tích cực trong việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh về vấn đề này nhằm kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiệu quả các hành vi rửa tiền. Cụ thể, vào ngày 18/6/2012, Luật Phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội thông qua, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam. Luật Phòng, chống rửa tiền đã giúp góp phần minh bạch hóa nền tài chính tiền tệ quốc gia, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

anhminhhoa.png

Luật Phòng, chống rửa tiền đã đạt được một số kết quả nhất định như việc đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, giúp Việt Nam tiến đến việc thực hiện đầy đủ các chuẩn mực, cam kết quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền mà Chính phủ nước ta đã ký kết và tham gia.

Cụ thể, năm 2007, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG). Theo đó, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên của APG về thực hiện 40 Khuyến nghị về chống rửa tiền và 09 Khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ cho khủng bố của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Sau một năm gia nhập APG, tổ chức này đã tiến hành đánh giá cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố ở Việt Nam theo công thức 40+9 của FATF. Dù nước ta đã có nhiều nỗ lực và bước tiến trong công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, nhưng mức độ tuân thủ và thực hiện theo các khuyến nghị của FATF vẫn còn hạn chế. Vì thế, dựa trên cơ sở kết quả đánh giá trên, APG đã đưa ra 138 kiến nghị mà Việt Nam cần thực hiện để hoàn thiện hệ thống chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Một trong số những kiến nghị đó là phải sửa đổi khung pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế mà cụ thể là cần nhanh chóng xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Chống tài trợ khủng bố6.
 
Bên cạnh đó, Luật cũng đáp ứng các hành động được nêu trong Kế hoạch hành động mà FATF đưa ra cho Việt Nam. Kể từ năm 2010, Việt Nam đã và đang chịu sự rà soát của Nhóm xem xét các vấn đề hợp tác quốc tế (ICRG) thuộc FATF. Thông qua Báo cáo rà soát sơ bộ và Báo cáo rà soát sâu gửi đến Việt Nam, Nhóm xem xét ICRG đều nhận định rằng, Việt Nam phải tiếp tục và nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Một nội dung quan trọng trong Báo cáo là xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống khủng bố. Tại Hội nghị toàn thể của FATF, Chính phủ Việt Nam đã cam kết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền.

Nhóm PV