Hiện nay, thực phẩm nhập khẩu vừa đa dạng, vừa được kiểm soát chất lượng nên chúng có mặt trên khắp thị trường Việt Nam. Mặc dù giá thành của thực phẩm ngoại cao hơn hẳn so với thực phẩm trong nước nhưng vẫn được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Tuy nhiên, để đảm bảo sản phẩm mua được xứng đáng với số tiền bỏ ra, người tiêu dùng cần tìm hiểu và nắm được những kiến thức cần thiết sau đây khi mua thực phẩm nhập khẩu.
1. Nơi bán thực phẩm nhập khẩu
Thông thường, thực phẩm nhập khẩu được bày bán tại các siêu thị lớn, đại lý hoặc cửa hàng uy tín thì bạn có thể yên tâm về chất lượng sản phẩm.
Bởi những cơ sở kinh doanh này có giấy phép hoạt động và chứng nhận của các cơ quan chức năng về vấn đề an toàn thực phẩm, nên chắc chắn các sản phẩm được bán ở đây phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về chất lượng thực phẩm nhập khẩu.
Ảnh minh họa |
2. Nguồn gốc xuất xứ
Một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng của thực phẩm nhập khẩu là nguồn gốc xuất xứ.
Chẳng hạn, với các mặt hàng là thịt bò, thịt cừu, gan ngỗng, hoa quả tươi và các loại hạt như hạt dẻ, quả óc chó, hạt điều… thì bạn nên mua những sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Úc, Pháp…
Bởi thực phẩm nhập khẩu từ các nước này có chất lượng ổn định. Hơn nữa, không chỉ phải đáp ứng quy chuẩn chất lượng của Việt Nam mà chúng còn đáp ứng được các tiêu chí mà các nước đề ra khi xuất khẩu.
3. Kiểm tra bao bì đóng gói bên ngoài sản phẩm
Hãy đảm bảo rằng, bao bì bên ngoài thực phẩm còn nguyên vẹn, không bị rách, hở, thủng hoặc có những dấu hiệu chắp vá. Các loại vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào thực phẩm nếu bao bì đóng gói bị hở.
Chính vì vậy, không nên chọn những sản phẩm có bao bì rách nát, bị thủng hay những sản phẩm mà các thông tin in trên bao bì mờ nhạt, không rõ ràng vì chúng có nguy cơ cao là sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là hàng giả, hàng nhái.
Đặc biệt là các sản phẩm sữa nhập khẩu, bởi tình trạng sữa làm giả hiện nay rất phổ biến.
4. Xem kỹ các thông tin trên bao bì
Để chủ động và biết cách phân biệt đâu là thực phẩm nhập khẩu chính hãng, bản thân người tiêu dùng cần phải học cách đọc hiểu các thông tin trên bao bì và nhãn mác của sản phẩm.
Bởi trên bao bì hay nhãn mác của mỗi loại thực phẩm nhập khẩu đều có mã vạch phản ánh nguồn gốc xuất xứ và các thông số giúp cung cấp thông tin về chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm.
Bên cạnh đó, thực phẩm nhập khẩu luôn được đóng gói cẩn thận và in đầy đủ các thông tin bên ngoài bao bì sản phẩm. Vì vậy, khi mua bạn hãy kiểm tra thời gian đóng gói và hạn sử dụng để tránh mua phải thực phẩm nhập về quá lâu hoặc đã hết hạn sử dụng.
Theo VTC