- “Ngay cả 9 triệu đồng/tháng khởi điểm chịu thuế như Bộ Tài chính dự kiến sửa Luật thuế thu nhập cá nhân cũng chưa phải là ghê gớm lắm, nay cơ quan của Quốc hội lại đưa xuống 7 triệu… Xin đừng nói cao thấp lạnh lẽo như vậy” chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành bày tỏ.

Nếu như phiên họp chiều 12/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa Thuế thu nhập cá nhân tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ kết quả thì bên ngoài, các luồng ý kiến phản biện của các chuyên gia kinh tế cũng nóng không kém.

Thu nhập 9 triệu có gì là ghê gớm?


Chia sẻ với VEF - VietNamNet, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói: “Trong tình hình Việt Nam hiện nay, một gia đình có thu nhập 7 triệu đồng/tháng có sống đủ không? Trong gia đình, 1 vợ, 1 chồng và ít nhất có 2 con và còn có bao nhiêu khoản chi như tiền nhà, tiền học, tiền đi mẫu giáo… thì ngay cả, 9 triệu đồng/tháng thu nhập cũng chưa phải là ghê gớm gì lắm.

Có lẽ, những người đề xuất mức này nên xem lại ở chính gia đình mình. Nếu thu nhập gia đình có 9 triệu đồng/tháng thì đó là cao, hay thấp, huống hồ 7 triệu đồng/tháng? Đừng nói cao hay thấp lạnh lẽo như vậy!”

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, dường như đề xuất này chưa quan tâm mức sống thực sự khó khăn của người dân hiện nay. Chưa biết nếu giảm xuống 7 triệu đồng/tháng thu nhập chịu thuế như đề xuất và khống chế chỉ được 2 người phụ thuộc thì sẽ tăng được bao nhiêu cho ngân sách.. nhưng trước mắt nó đã gây ra nhiều tranh cãi và ít nhiều tạo ra sự bất ổn trong tâm lý của nhân dân”.

“Bố mẹ thì phải nuôi con chứ, nhà có 3 đứa con, 2 đứa trước thì được hỗ trợ, thế 1 đứa sau thì bỏ đi đâu”, ông Thành nói.


Theo phân tích của ông Thành, Việt Nam giảm thu nhiều là vì DN không làm ăn khó khăn. Thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế từ các hoạt động kinh tế khác mới là nguồn thu lớn. Chúng ta phải làm sao cố gắng nuôi con gà công nghiệp đó để đẻ trứng vàng, để mà tăng thu ngân sách. Đó mới là vấn đề lớn cần quan tâm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan góp ý rằng, các so sánh cho rằng, mức đóng góp thuế của ta thấp hơn các nước như Ủy ban Tài chính- Ngân sách cần phải xem xét lại.

“Khi so sánh với các nước khác phải so sánh cả mức thu nhập sau khi đóng thuế của người dân, so sánh hiệu quả sử dụng nguồn thuế, chứ không nên chỉ so sánh mức thu hay mức giảm trừ gia cảnh. Nước ta đã ra khỏi ngưỡng nghèo, vào ngưỡng thu nhập trung bình thấp (từ 1000 USD đến dưới 4000 USD/năm), nhưng còn đang ở mức rất thấp trong ngưỡng này. Các nước xung quanh như Trung Quốc, Malaysia, Thái lan… cũng là nước thu nhập trung bình nhưng ở mức cao hơn nhiều so với ta”, bà Lan phân tích.

Cần tính lại sát thực tế hơn

Có lẽ, đây cũng là lần hiếm hoi Bộ Tài chính lại nhận được sự ủng hộ của dư luận và giới chuyên gia kinh tế như vậy với việc đề xuất nâng giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân qua đề xuất mới nhất của mình

Theo lời kể của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Chính Ủy ban Tài chính - ngân sách đã chủ trì 2 hội thảo, một ở Lào Cai và một ở Đà Lạt vừa tổ chức giữa tháng 8 để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Luật này. Đa số ý kiến đều thuận theo hướng sửa đổi của Bộ Tài chính”.

Bà Lan cho biết: “Khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai kết luận hội thảo cũng đồng tình quan điểm, người dân có nhiều cách để đóng góp cho Nhà nước khác. Nếu giảm thuế thu nhập cá nhân thì Bộ vẫn có thể thu được từ các sắc thuế khác, thông qua tiêu dùng tăng trưởng trong nhân dân”.

“Không có thông tin nào về về việc nên giảm 9 triệu đồng/tháng xuống mức 7 triệu đồng/tháng khởi điểm chịu thuế. Đặc biệt, không có thông tin về việc sửa theo hướng chỉ cho giảm trừ gia cảnh đối với 2 người con qua những diễn đàn đó”, chuyên gia Lan khẳng định.

“Chúng tôi hoàn toàn không nắm được Ủy ban đã dựa trên cơ sở khoa học nào để đưa ra ý kiến sửa như thế?”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.

Tháng 3 năm nay, Bộ Tài chính công bố phương án sửa đổi dự kiến mức khởi điểm chịu thuế tăng từ 4 triệu/tháng hiện hành lên 6 triệu đồng/tháng, từ 1,6 triệu đồng giảm trừ cho 1 người phụ thuộc lên 2,4 triệu đồng cho 1 người phụ thuộc.

Phương án này đã vấp phải sự phản bác kịch liệt từ các chuyên gia kinh tế và ý kiến trong dân chúng. Bộ Tài chính bị mang tiếng là không khoan sức dân, luật sửa chưa ra đời thì đã lạc hậu.

Quá trình lấy ý kiến đóng góp được tiếp tục sau đó và đến 31/7, tờ trình của Chính phủ do Bộ Tài chính thay mặt ký đã có nhiều thay đổi tạo được đồng tình của dư luận. Khởi điểm chịu thuế được sửa tăng vọt lên 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tăng lên 3,6 triệu đồng/người, tăng tới 125% so với mức hiện hành và cao hơn 50% so với phương án đầu tiên. Thời điểm áp dụng sớm hơn nửa năm so với dự kiến.

Qua đề xuất này, lộ trình sửa luật tưởng đã đạt kết quả thì vào phút chót, toàn dân được phen ngã ngửa khi cơ quan của Quốc hội lại có thay đổi theo hướng giảm mức khởi điểm chịu thuế và hạn chế người phụ thuộc.

Ngay trong buổi thảo luận về đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói: “9 triệu có phải là ghê gớm?”. Phó chủ tịch Quốc Hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng lên tiếng: “tại sao không đồng ý với đề xuất của Chính phủ mà lại yêu cầu tăng người nộp thuế lên như vậy?... Giờ Chính phủ đưa ra con số tính toán hợp lý thì Ủy ban Tài chính - Ngân sách lại có một con số khác!”

Cho đến thời điểm này, Ủy ban Tài chính- Ngân sách mới chỉ các đề xuất con số. Ngoài lý do “lo giảm ngân sách”, lý do “quá cao, quá nhanh” thì căn cứ định lượng duy nhất của cơ quan này là có 6/8 thành viên đề nghị nghị hạ mức giảm trừ gia cảnh, áp đảo con số chỉ có 2 người ủng hộ Chính phủ. Có lẽ vì thế cần công khai các cơ sở, phương pháp tính toán một cách công khai và sát với đời sống thực tế nhất.

Phạm Huyền