Áp lực về việc sinh con, chuyện quan hệ họ hàng và trách nhiệm trong những ngày giỗ, lễ, tết đã từng là nỗi ám ảnh với cựu người mẫu Thúy Hằng.

Thúy Hằng thuở đôi mươi là một người vụng về trong chuyện nữ công gia chánh nhưng cô lại phải đảm nhận trọng trách làm dâu trưởng trong gia đình. Đây từng là nỗi hoang mang của cô bởi những áp lực như việc sinh con, chuyện quan hệ họ hàng và trách nhiệm trong những ngày giỗ, lễ, tết.

{keywords}
Cựu người mẫu Thúy Hằng trong chương trình "Chuyện đêm muộn"

Xuất hiện trong chương trình “Chuyện đêm muộn”, cựu người mẫu Thúy Hằng đã chia sẻ về câu chuyện thực tế của cô, khi kết hôn ở tuổi 22 và đã trải qua 16 năm làm dâu trưởng.

Từng bị gọi là “thằng Hằng” vì vụng về

Thúy Hằng tiết lộ, thuở bé, cô không phải là người khéo léo trong chuyện nữ công gia chánh. Nhưng khi ý thức được vai trò của người phụ nữ trong gia đình sau khi kết hôn, cô đã thay đổi hoàn toàn và từng bước tiếp cận với việc bếp núc, chăm sóc gia đình.

Người đẹp chia sẻ: “Hồi bé, biệt danh ở nhà của tôi là 'thằng Hằng'. Nhà chỉ có hai chị em sinh đôi, Hạnh và mẹ tôi đều là người khéo léo nữ công gia chánh. Tôi thì ngược lại, tôi theo chân bố đi làm những gì liên quan đến nghề mộc, nghề điện… Nếu bố đi công tác thì ở nhà, tôi sẽ tự động lấy các thứ ra để sửa. Chuyện nấu nướng tôi rất vụng. Mỗi lần vào bếp lại làm vỡ một cái bát.

{keywords}
Thúy Hằng từng là người con gái vụng về

Đến năm 20 tuổi, tôi ý thức được rằng sau khi kết hôn, mình phải có trách nhiệm với gia đình nhà chồng nên năm nỉ mẹ cho vào bếp, hướng dẫn làm việc nội trợ. Khi đó rất buồn cười. Mỗi khi vào bếp, Hạnh lại lườm tôi vì hay làm vỡ bát, tốm tiền để sắm. Nhưng mẹ nhận thấy sự thành thật của tôi nên đã để tôi vào bếp. Chăm làm thì tay quen. Mình nấu ăn không ngon nhưng nếu nấu bằng cái tâm, dành cho những người thương yêu trong gia đình thì chắc chắn người thưởng thức đồ ăn sẽ cảm nhận được”.

Chỉ yên tâm khi đã sinh được con trai

Lên xe hoa về nhà chồng vào năm 22 tuổi, Thúy Hằng cảm thấy hoang mang với trọng trách dâu trưởng mà mình sắp nắm giữ.

Cô tâm sự: “Ở tuổi 22, khi về làm dâu trưởng thì tôi rất hoang mang. Bởi mẹ tôi cũng là dâu trưởng, bà rất vất vả và phải lo lắng nhiều thứ. Không chỉ việc gia đình, mà còn việc họ tộc ở quê nội, quê ngoại và rất nhiều những việc khác. Tôi nghĩ rằng mình chắc chắn không thể hoàn thành được những trọng trách nặng nề đó. Tuy nhiên, thế hệ ông bà mình hiện tại đã gánh bớt trách nhiệm và giảm căng thẳng cho mình rất nhiều nên tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn”.

{keywords}
Thúy Hằng bên ông xã

Cựu người mẫu chia sẻ áp lực lớn nhất của việc làm dâu trưởng là phải sinh con trai nối dõi tông đường. Người phụ nữ cũng cần thể hiện sự đảm đang trong những sự kiện trọng đại của gia đình, đồng thời phải cư xử chừng mực, khéo léo với họ hàng hai bên nội, ngoại.

Cô tâm sự: “Áp lực nặng nề nhất đối với người dâu trưởng là con cái. Các cụ vẫn có quan điểm là phải sinh con trai để nối dõi tông đường. Chính vì vậy, sau khi sinh con trai đầu lòng, tôi cảm thấy nhẹ nhàng vô cùng. Đó không phải là sự may mắn, mà là những nỗ lực từ phía tôi và cả ông xã của tôi nữa.

Khi gia đình có giỗ hay ngày lễ thì tất cả trách nhiệm đều dồn hết cho dâu trưởng. Tất cả những chuyện nhỏ như bếp núc hay bày biện mâm bát, đến việc cư xử với họ hàng ra sao, đều là những bài toán nan giải. Thực tế, trước đó, tôi phải chuẩn bị trong một khoảng thời gian dài để lên danh sách món ăn, khách mời và lựa chọn cách bài trí cho hợp lý. Ngày giỗ phải dạy từ sáng sớm để nấu cỗ. Thế nhưng tôi cảm thấy hứng thú lắm, tôi muốn mọi người nhìn nhận mình đúng với tư cách là một người dâu trưởng”.

Bí quyết 16 năm làm dâu trưởng

Cũng giống như những người phụ nữ khác, quá trình làm dâu của cựu người mẫu Thúy Hằng có nhiều tình huống khó xử. Tuy nhiên, kinh nghiệm giao tiếp tích lũy từ những năm tháng đi làm, và sự cầu thị đã giúp cô vượt qua những sự cố một cách nhẹ nhàng.

Người đẹp chia sẻ: “Tôi thấy nhiều người xung quanh mình không biết nên chào hỏi họ hàng bên nội với âm lượng như thế nào. Chào to quá thì bị mắng, nhưng chào nhỏ quá thì các bác lại nói là nhìn thấy mà không thèm chào. Kinh nghiệm của tôi là ngay lần đầu tiếp xúc, cứ cười thật tươi, có bao nhiêu cái răng cứ khoe hết ra.

Cái thứ hai là không giấu dốt. Nếu không biết thì phải hỏi ngay. Ví dụ, khi các bác đến nhà mà cảm thấy mọi người không vui vẻ, thoải mái thì tôi sẽ hỏi luôn, xem thức ăn mình nấu có vừa miệng không, các bác có nóng hay cần uống nước không. Thực tế, nếu không có nội dung câu chuyện thì mình không thể phán đoán được người đối diện mong muốn gì ở mình. Cách tốt nhất là chủ động hỏi. Mọi người cảm thấy thoải mái mà mình cũng dễ chia sẻ”.

{keywords}
Gia đình hạnh phúc của Thúy Hằng 

Bên cạnh đó, Thúy Hằng cũng cho rằng người phụ nữ nên biết cách chia sẻ tâm sự của mình với những người đáng tin tưởng. Cô tâm sự: “Mỗi người nên có một đồng minh cho mình. Đó có thể là người bạn gái thân, em gái, chồng hoặc thậm chí là em dâu. Nếu có bất cứ khó khăn gì, mình nên chia sẻ và nhờ cậy người khác, không nên ôm đồm quá. Có rất nhiều người phụ nữ quá cầu toàn và muốn tự mình giải quyết mọi chuyện, nhưng tôi nghĩ nếu chia sẻ được với những người xung quanh thì sẽ nhẹ nhàng hơn”.

Người đẹp cũng bày tỏ sự biết ơn với bố chồng, bởi chính tư tưởng cải cách của ông đã khiến những ngày làm dâu trưởng của cô trở nên dễ dàng hơn. Cô cho biết: “Bố chồng tôi là người có tư tưởng cởi mở và cải cách. Ngày xưa, cứ đến dịp giỗ chạp là phải làm mặn, làm đủ mâm, mời đủ người. Một năm có đến mười mấy cái giỗ nên gần như mỗi tháng gia đình đều phải tổ chức. Nhưng bố tôi muốn các con được thoải mái nên đã quyết định một năm chỉ nên làm 3 cái giỗ mặn lớn, là của ông, bà nội và mẹ chồng tôi. Còn những ngày giỗ khác chỉ thắp hương hoa quả để họ hàng cùng đến tưởng niệm. Sự cải cách của ông khiến mọi thứ trong gia đình rất thoải mái và không gò ép”.

Dương Di