Thời gian gần đây, loại tôm hùm đất sống có xuất xứ Trung Quốc được nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam và bán với giá khá rẻ, chỉ từ 200.000-400.000 đồng/kg tuỳ vào số lượng mua ít hay nhiều. Song, theo công văn hoả tốc của Bộ NN-PTNT vừa mới gửi đi, tôm hùm đất (tôm càng đỏ) là loại sinh vật ngoại lai bị cấm nhập khẩu và buôn bán tại Việt Nam.
Trước thông tin về việc tôm hùm đất thuộc diện “hàng cấm”, nhiều người thắc mắc chúng là loại đặc sản thơm ngon, ăn không độc hại vậy tại sao lại cấm nhập, cấm buôn bán, phải tiêu diệt ngay khi phát hiện?
Theo tài liệu của Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, loài tôm hùm đất này được nhập vào Nhật Bản và Trung Quốc từ những năm 1930. Chúng là loài thuỷ sản sức đề cực kỳ kháng mạnh, có thể sống trong môi trường ô nhiễm, thậm chí sống trong cống rãnh. Ở Nhật Bản, người ta còn thấy tôm hùm đất sống nhiều trong các cống rãnh ô nhiễm giữa thành phố giống như loài chuột cống.
Tôm hùm đất - loại sinh vật ngoại lai đặc biệt nguy hiểm với môi trường sinh thái đang tràn vào nước ta |
Đặc biệt, tôm hùm đất còn sống được trong môi trường trên cạn và dưới nước, chịu được nhiệt độ từ 0-38 độ C. Chúng có thể ăn các loại côn trùng, ăn cỏ cây, tự sinh sôi nảy nở rất nhanh. Thậm chí, vào mùa sinh sản, loài tôm này còn đào hang rồi chui vào hang đẻ con y như cua đồng.
Trao đổi với PV. VietNamNet, TS Bùi Quang Tề - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, cho biết, tôm hùm đất hay còn gọi tôm hùm đỏ (tên khoa học là Cherax quadricarinatus), từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ năm 2012. Sau đó, xác định đây là loài ngoại lai nguy hại cho môi trường sinh thái, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển ở nước ta.
Nhiều người còn gọi tôm hùm đất là thuỷ quái tôm lai cua vì chúng có thể bò ngang, đào hang giỏi như cua. Đáng sợ hơn, chúng có đôi càng màu đỏ to khỏe, có thể cắt ngang thân lúa cứng rất nhanh, ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ.
Theo ông Tề, đây là loài sinh vật ngoại lai cần kiểm soát chặt ngay ở biên giới, tuyệt đối không thể cho nhập khẩu vào nước ta. Bởi, loài này có đặc điểm ăn tạp giống hệt như ốc bươu vàng. Nếu bị phát tán ra thị trường, loài tôm lai cua này sẽ ăn sạch các loại thuỷ sinh, cạnh tranh thức ăn với các loại sinh vật bản địa, khiến tôm, cá dần biến mất.
“Tôm hùm đất có tuổi thọ lên tới mấy chục năm lại sinh sản rất nhanh. Chúng tự sinh sản và ôm trứng dưới bụng. Thế nên sẽ đặc biệt nguy hiểm khi mua tôm hùm đất sống về, người dân rửa tôm hùm dưới vòi nước, trứng tôm sẽ theo nguồn nước phát tán ra môi trường và nở thành tôm con. Lúc đó thì trở thành đại họa của ngành nông nghiệp”, ông nói.
Ông Tề cũng cho biết, Trung Quốc phải đối diện với thảm họa tôm hùm đất trên sông Trường Giang mà đến bây giờ vẫn không có cách nào để tiêu diệt được. Bởi thế, khi loài này xâm nhập vào nước ta sẽ gây nguy hại hơn cả ốc bươu vàng, làm lây lan mầm bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng gây thiệt hại nặng nề cho các đầm nuôi tôm.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu để loài tôm này phát tán ra môi trường thì sẽ thành "đại hoạ" của nền nông nghiệp, còn khủng khiếp hơn cả ốc bươu vàng |
Thực tế, bài học ốc bươu vàng vẫn còn đó, đến tận bây giờ sau bao nhiêu năm chúng ta vẫn không thể tìm cách tiêu diệt được loại ốc này. Ốc bươu vẫn phá hoại mùa màng của bà con nông dân.
Một số chuyên gia trong ngành thuỷ sản cũng thừa nhận rằng, tôm hùm đất có thể gây ra thảm họa tàn phá không khác gì ốc bươu vàng. Vì nếu không đủ thức ăn, loài này sẽ xơi sạch rau màu, thậm chí chúng còn ăn được cả gỗ, làm biến dạng môi trường sống. Với thói quen đào hang sâu đến 2m, nước ta sẽ lại có thêm loài “chuột” mới.
Theo đó, khi tôm hùm đất sinh sôi nảy nở với số lượng lên tới hàng trăm triệu hay hàng tỷ con hoặc nhiều hơn nữa mà tất cả chúng đều thi nhau đào hàng, ăn sạch các loại thuỷ sinh,... thì là một thảm họa với con người.
Thực tế, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai thừa nhận tình trạng nhập lậu tôm trong 5 tháng gần đây đang gia tăng. Chỉ trong vòng 7 ngày, cơ quan chức năng Lào Cai đã bắt giữ 7 vụ tôm hùm đất, số lượng lên tới gần 1 tấn. Trong khi đó, việc kiểm soát nhập lậu tôm tại các tuyến biên giới lại gặp khó khăn.
Bên cạnh những giải pháp mạnh nhằm ngăn chặn việc thẩm lậu, tiêu thụ, kinh doanh, phát tán tôm hùm đất vào trong nước, cần tuyên truyền giúp người dân, người tiêu dùng có thể nhận biết và nắm bắt được mức độ nguy hại của tôm này; phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển tôm càng đỏ, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai đề nghị.
Tại khắp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các thành phố lớn, ngành nông nghiệp, lực lượng quản lý thị trường đang tăng cường tuy tìm và tiêu diệt tôm hùm đất nhằm chặn đứng việc kinh doanh buôn bán, tránh phát tán ra môi trường.
Hải quan “lệnh” chặn tôm hùm đất tại cửa khẩu phụ, lối mòn Trước thông tin tôm hùm đất nhập lậu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, Tổng cục Hải quan vừa “lệnh” cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm soát tôm hùm đất. Cơ quan này cho biết, căn cứ vào quy định của pháp luật thì tôm càng đỏ không có tên trong danh mục thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, là mặt hàng thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm lại. Do đó, để kịp thời ngăn chặn và quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu mặt hàng tôm càng đỏ bảo vệ môi trường, tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan, đội kiểm soát hải quan phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm càng đỏ. Kịp thời đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành phi vận chuyển trái phép mặt hàng này vào ViệtNam qua các cửa khẩu phụ, lối mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới. |
Bảo Phương