Những năm qua, Sở TT&TT tỉnh Hà Nam luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đồng thời tích cực phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh phòng chống gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực ngành quản lý.

Sở đã phối hợp với các đơn vị của Bộ TT&TT rà soát, phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh khi phát hiện sai phạm trong buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngành TT&TT.

Sở tham mưu với UBND tỉnh biện pháp quản lý hoạt động sử dụng thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ khác được pháp luật cho phép. Đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh trong việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến quảng cáo, bán hàng giả, kém chất lượng trên mạng xã hội và các sàn giao dịch điện tử.

Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thành lập tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) các cấp. Toàn tỉnh đã thành lập 100% tổ CNSCĐ cấp xã, cấp thôn. 

Sở đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ TT&TT), các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tổ chức hội nghị tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu UBND tỉnh tới 06 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố và 109 điểm cầu các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh với khoảng 4.200 thành viên tổ CNSCĐ các cấp trên địa bàn tỉnh tham gia. 

Tổ CNSCĐ các cấp đã tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu, phổ biến các kỹ năng về truy xuất nguồn gốc, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử trên không gian mạng, mua bán, tiếp thị trên sàn thương mại điện tử Việt Nam như Vỏ Sò, PostMart, sàn thương mại điện tử tỉnh. Thông qua tổ CNSCĐ để phổ biến, hướng dẫn cho người dân nhận thức việc mua bán trên mạng với các địa chỉ tin cậy, và an toàn.

Trên địa bàn tỉnh có 97 điểm bưu điện - văn hóa xã đang hoạt động. Nhằm tăng cường quản lý và tác động đến các sàn TMĐT và mạng xã hội, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính thực hiện nghiêm việc chuyển phát hàng hoá, các đơn hàng có xuất phát từ các nền tảng TMĐT; chỉ thực hiện vận chuyển hàng từ các địa chỉ tin cậy và trong danh mục cho phép.

Hiện nay có nhiều phần mềm kinh doanh TMĐT do các tổ chức, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước triển khai, chủ yếu phát hành qua App Store (trên thiết bị Apple sản xuất) và CH Play trên các máy điện thoại, máy tính cài đặt hệ điều hành Android. 

Việc quản lý hoạt động kinh doanh thương mại trên các phần mềm này khá phức tạp, đòi hỏi nhiều cơ quan chức năng cùng phối hợp tham gia. Bên cạnh đó, do đặc điểm linh hoạt trong việc đăng, gỡ bỏ quảng cáo, chủ hàng hợp tác, giao dịch với nhà phát hành phần mềm TMĐT thông qua internet và thanh toán điện tử… nên việc phát hiện, ngăn chặn sai phạm gặp nhiều khó khăn.

Năm 2023, Sở đã phối hợp với Bộ TT&TT lần đầu tiên tổ chức kiểm tra toàn diện đối với hoạt động quảng cáo bán hàng trên các nền tảng lớn như Facebook, Tiktok. Qua đó, đã phát hiện sai phạm và thực hiện gỡ bỏ gần 500 bài viết quảng cáo và trên 2.400 đường link quảng cáo các dịch vụ bất hợp pháp trên Facebook; gỡ trên 600 video quảng cáo sai phạm và trên 2.000 bài quảng cáo về thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên YouTube… 

Trên địa bàn tỉnh, trong 7 tháng đầu năm 2023, qua công tác phối hợp kiểm tra, Sở đã phát hiện 5 vụ vi phạm thuộc lĩnh vực ngành quản lý, xử phạt hành chính 34 triệu đồng… 

quyen loi nguoi tieu dung b33a.jpg
Việc quản lý hoạt động quảng cáo bán hàng trên các nền tảng lớn như Facebook, Tiktok… có vai trò quan trọng. 

Thông tin kịp thời các vụ việc buôn lậu, GLTM và hàng giả nổi bật 

Sở TT&TT tỉnh Hà Nam đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động thương mại trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên Cổng thông tin điện tử. Qua đó nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Sở phối hợp với  lực lượng chức năng kịp thời đưa tin, bài phản ánh tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, không tham gia, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, người sử dụng dịch vụ thông tin truyền thông ngày càng được nâng lên. Qua đó, từng bước hạn chế các vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực sở quản lý. 

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng tuyên truyền đối với các cơ quan báo chí của tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực TT&TT.

Cùng với đó, thông tin về tình hình, các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nổi bật; tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, vận động các tổ chức, cá nhân không tham gia, tiếp tay, bao che, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác trên không gian mạng. 

Thông qua tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ các lợi ích và nguy cơ từ giao dịch điện tử qua các nền tảng mạng xã hội và sàn giao dịch điện tử. 

Song song công tác tuyên truyền, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại, hàng giả; rà soát thông tin trên mạng. 

Phối hợp với các cơ quan của Bộ TT&TT thống kê, xây dựng các biện pháp quản lý các tài khoản bán hàng online trên mạng xã hội và các sàn giao dịch điện tử trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát thực hiện nghiêm việc vận chuyển các đơn hàng có nguồn gốc bán hàng từ mạng xã hội...

Duy Khánh và nhóm PV, BTV