Ngày 19/7, tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Đông, Hong Kong). Đây là cơ hội để thảo luận và đánh giá kết quả hợp tác giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Đông cùng Hong Kong nói riêng và Trung Quốc nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Sau buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại Toạ đàm |
Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ với tỉnh Quảng Đông. Xin Thứ trưởng đánh giá kết quả hợp tác giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Đông thời gian qua cũng như những lĩnh vực tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong tương lai?
Trong gần 30 năm qua, Quảng Đông là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao liên tục đứng đầu Trung Quốc, nên tiềm năng hợp tác giữa Quảng Đông và Việt Nam rất lớn. Chúng ta biết đây là nền kinh tế lớn và mở kết nối với bên ngoài. Quảng Đông là tỉnh có nhiều doanh nghiệp có trình độ khoa học công nghệ cao, là trung tâm phát triển hàng đầu của Trung Quốc. Họ cũng có thế mạnh về năng lượng sạch, ngành công nghiệp chế tạo. Đây là những ngành có thể bổ sung đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó họ có nguồn vốn lớn.
Ngược lại họ cũng có nhu cầu lớn về nông, hải và thủy sản. Do đó tiềm năng hợp tác với Việt Nam rất lớn. Gạo và những mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng ngày càng được ưa chuộng tại Quảng Đông. Đây rõ ràng là cơ hội xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời là khả năng rất quan trọng để bổ sung cho nhau.
Việc Chính phủ, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hai bên rất quan trọng, tạo bầu không khí thuận lợi, tạo cơ sở pháp lí cho hợp tác hai bên. Tuy nhiên, điều quyết định vẫn là sự chủ động của địa phương.
Tọa đàm hôm nay có sự tham gia của lãnh đạo ban ngành các địa phương cũng như doanh nghiệp hai bên. Do đó ngoài sự hỗ trợ thì sự chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với phía Quảng Đông cũng rất quan trọng.
Toàn cảnh tọa đàm hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc. |
Về mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại nói chung giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua, xin Thứ trưởng đánh giá lí do tại sao Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam và Thứ trưởng kì vọng thế nào vào dòng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam thời gian tới?
Một trong những lí do rất lớn là quan hệ hai nước đang trong xu thế phát triển tích cực. Hiện nay, Trung Quốc đang trong quá trình phát triển, họ muốn mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với tất cả các đối tác trên thế giới. Đối với Việt Nam là một quốc gia láng giềng, họ thấy chắc chắn có thuận lợi.
Ngoài ra, không chỉ Trung Quốc mà tất cả các nước trên thế giới đều thấy Việt Nam có những thế mạnh đó là sự ổn định chính trị, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề tiếp tục hội nhập quốc tế, đổi mới và tạo môi trường đầu tư làm ăn thuận lợi hơn và trên thực tế đã đem lại kết quả.
Đó là những nhân tố rất quan trọng lí giải tại sao các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến điều kiện đầu tư của Việt Nam và quan hệ kinh tế của Việt Nam.
Thưa Thứ trưởng, làm thế nào để giảm thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với tỉnh Quảng Đông nói riêng và Trung Quốc nói chung?
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc rất lớn. Trong những năm vừa qua, thâm hụt thương mại khá lớn giữa Việt Nam trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Chúng ta cũng đã trao đổi vấn đề này với chính quyền, Chính phủ Trung ương của Trung Quốc và các địa phương.
Về phía bạn cũng tạo điều kiện về mặt cơ chế chính sách, ví dụ chính sách kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách thương mại, tạo điều kiện để văn phòng đại diện thương mại của Việt Nam hoạt động hiệu quả tại Trung Quốc.
Ngoài Bắc Kinh, chúng ta có văn phòng tại nhiều địa phương của Trung Quốc và đang cố gắng mở rộng, tạo cơ hội và tìm hiểu thị trường giúp cơ hội xuất khẩu của ta tăng. Trong khoảng 1, 2 năm trở lại đây, tỉ lệ tăng trưởng trong xuất khẩu của Việt Nam tăng lên và thâm hụt thương mại có xu hưởng giảm xuống. Mặc dù vẫn còn khá lớn nhưng đang theo đi xu hướng tích cực hơn.
Ta cũng phải nhìn nhận rằng, thực tế có nhiều sản phẩm của Trung Quốc được nhập vào phục vụ quá trình sản xuất của chúng ta. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang vươn lên tìm hiểu nhiều hơn về thị trường Trung Quốc và nỗ lực sản xuất được những sản phẩm có thể xuất khẩu sang Trung Quốc.
Điều cuối cùng rất quan trọng là khả năng của các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực đó, tìm hiểu và tiếp cận thị trường. Trong khi đó Chính phủ hai nước cũng luôn quan tâm thường xuyên để cân bằng thương mại hai bên.