Sáng 25/5, chỉ số VN-Index lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.300 điểm với lực mua được giữ vững ở mức cao. Khối ngoại mua bán cân bằng hơn nhưng vẫn theo xu hướng bán ròng kéo dài trong nhiều tuần qua.
Nhiều cổ phiếu lớn tiếp tục là trụ cột cho thị trường với nhóm ngân hàng tăng điểm khá ấn tượng. Cổ phiếu Vietcombank (VCB) tăng 1.100 đồng lên 98.500 đồng/cp; Vietinbank (CTG) tăng nhẹ lên mức 51.500 đồng/cp; cổ phiếu MBBank, TPBank, HDBank và Sacombank cũng tăng giá.
Nhóm cổ phiếu ngành tài chính cũng nhích nhẹ với các gương mặt như Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Bảo Việt (BVH). Cổ phiếu nhiều tin tốt Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng tăng giá lên đỉnh cao mới…
Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội tiếp tục tăng điểm sau khi bất ngờ cán ngưỡng đỉnh cao mới với việc chốt phiên đạt 300,33 điểm trong phiên hôm qua 24/5.
Thanh khoản tăng cao và sắc xanh lan tỏa ra các nhóm ngành giúp thị trường tiếp tục đi lên bất chấp khối ngoại bán ròng phiên thứ 11 liên tiếp. Tự doanh trong nước mua ròng cùng với xu hướng mua mạnh của các nhà đầu tư cá nhân.
Thị trường chứng khoán tiếp tục hút dòng tiền trong bối cảnh các kênh đầu tư khác không mấy hấp dẫn. Lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp, vàng biến động không nhiều, USD đi xuống, thị trường tiền kỹ thuật số thế giới vừa trải qua một đợt giảm điểm rất mạnh.
Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một nền kinh tế tương đối ổn định.
Vn-Index lên ngưỡng 1.300 điểm |
Nhiều dự báo cho thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang dẫn sóng thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu blue-chips trên thị trường hút dòng tiền khá mạnh như Vinamilk, Vinhomes, Bảo Việt, Vincom Retail…
Theo SSI, với sự hỗ trợ của dòng tiền mạnh thị trường chứng khoán tiếp tục có diễn biến thuận lợi. Sau giai đoạn hồi phục từ 1.250 điểm, chỉ số VN - Index trở lại xu hướng tăng hướng đến vùng 1.350 - 1.400 điểm.
Triển vọng tích cực
Chứng khoán MBS cho rằng, thị trường nhìn chung rất thuận lợi để đi lên các ngưỡng cao hơn khi đang bỏ qua tác động từ bên ngoài. Điều còn thiếu lúc này là hệ thống giao dịch sàn HOSE lại có dấu hiệu đạt giới hạn ở mức 21.000 tỷ đồng khớp lệnh.
Chứng khoán Việt Nam bứt phá thời gian qua cũng đến từ việc kiểm soát khá tốt dịch Covid-19 khi không để lây lan mạnh ra cộng đồng, qua đó giúp nền kinh tế duy trì sự ổn định.
Trong năm 2020, GDP Việt Nam tăng trưởng 2,91%, nằm trong số các quốc gia tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Trong khi tăng trưởng kinh tế duy trì tích cực, lạm phát trong nước vẫn được kiềm chế ở mức thấp, chỉ tăng 0,29% trong quý I, thấp nhất trong vòng 20 năm; tỷ giá duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối ở mức cao.
Trong tuần qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Fitch và S&P nâng triển vọng lên mức tích cực, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng ra toàn cầu.
Chứng khoán hiện là kênh đầu tư hấp dẫn. Số liệu từ VSD cho biết trong 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới gần 367 nghìn tài khoản, bằng 93% lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước không chỉ giúp thị trường cân bằng lại áp lực bán ròng dữ dội của khối ngoại mà còn giúp VN-Index vững vàng trên 1.200 điểm và chinh phục đỉnh cao mới.
Theo Bloomberg, chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) VN-Index hấp dẫn, hiện chỉ đạt 17,5, thấp hơn khá nhiều so với các chỉ số chứng khoán trong khu vực, trong khi tăng trưởng EPS năm nay của các doanh nghiệp được dự báo ở mức trên 20%, vượt trội so với khu vực đã khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn.
M. Hà