Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến nay đã giúp nhiều vùng nông thôn trên cả nước thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từ đó, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà còn tạo cơ hội cho người dân nơi đây phát triển kinh tế.
Trong quá trình thực hiện chương trình, nhiều nơi đã thể hiện sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, chủ động đưa ra những chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thu hút nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân.
Trong đó, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương tiên phong trên cả nước triển khai thành công mô hình Làng văn hoá kiểu mẫu.
Vĩnh Phúc coi xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm với phương châm lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội… Cùng với đó sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Tỉnh đặt ra mục tiêu đến hết năm 2030, có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu do cấp có thẩm quyền ban hành. Trong đó, đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng và đến năm 2027, hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản về cấu trúc không gian; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp…
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 16/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, đến nay, bộ mặt nông thôn nói chung và Làng văn hóa kiểu mẫu nói riêng đang dần được hoàn thiện, hình thành.
Một số công trình thiết chế văn hóa thể thao được xây dựng đồng bộ, 28/28 thôn đã khởi công xây dựng công trình. Tính đến ngày 20/9, toàn tỉnh đã khánh thành 6 công trình tại 5 thôn.
Chính sách hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội đã được 100% các huyện, thành phố đã thực hiện giải ngân, với số tiền 96,5 tỷ đồng/100 tỷ đồng (đạt 96,5%), với 541 hộ gia đình vay vốn.
Ngoài ra, có 93 mô hình trên toàn tỉnh được hỗ trợ mô hình kinh doanh dịch vụ thương mại; 3 mô hình du lịch cộng đồng (du lịch văn hóa) được đăng ký tại 3 thôn tại huyện Vĩnh Tường được hỗ trợ mô hình điểm du lịch cộng đồng. Có 22 thôn, tổ dân phố có tổ chức/cá nhân đăng ký triển khai thực hiện mô hình vườn sản xuất.
Với sự chung sức, đồng lòng huy động mọi nguồn lực trong xã hội, đến nay, địa phương đã đóng góp, xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu tại thôn Viên Du, xã Thanh Vân và thôn Chiến Thắng, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương…
Đáng lưu ý, tại thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích, bà con đã tổ chức xây dựng cổng làng cổ và hệ thống hàng rào xanh bằng các loại cây. Tại Yên Lạc và Lập Thạch cũng hình thành các “Con đường Bích họa”.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động trồng cây, hoa xung quanh nơi sinh sống để tạo không gian sống xanh. Theo đó, tại huyện Tam Dương, người dân đã trồng mới 3 đường hoa với chiều dài 3,9km.
Người dân đã tích cực đóng góp ngày công lao động để xây dựng khu thiết chế văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng; vệ sinh, chỉnh trang đường làng ngõ xóm đảm bảo sáng xanh, sạch, đẹp. Huyện Sông Lô tham gia 1.110 ngày công; huyện Lập Thạch tham gia 765 ngày công; huyện Yên Lạc tham gia 1.200 ngày công...
Người dân cũng chủ động, tích cực hiến đất để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, đường giao thông phục vụ cộng đồng. Đơn cử như huyện Lập Thạch, người dân đã hiến 2,6ha đất để xây dựng các khu thiết chế văn hóa thể thao, hiến 3.000m2 để mở rộng đường làng, ngõ xóm.
Với những thành quả đáng ghi nhận cho thấy phong trào xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của đại đa số nhân dân. Ý thức, nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người dân tại các làng văn hóa kiểu mẫu nói riêng và nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung được nâng lên rõ rệt.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các ban ngành đoàn thể đã huy động được sự chung tay, góp sức của nhân dân trong các hoạt động, xây dựng các thiết chế văn hoá nhằm mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương. Từ đó góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn Vĩnh Phúc.
Nhờ những kết quả đáng ghi nhận này, đến nay Vĩnh Phúc là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn cả nước, nhiều địa phương đã đến tham quan và học tập kinh nghiệm, cách làm của tỉnh để áp dụng.
Qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá đã đạt được thành tựu "to lớn, toàn diện và có tính lịch sử". Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân cải thiện dần.
Đúng như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng phân tích, nông thôn không chỉ là nơi sản xuất nông nghiệp, mà còn là nơi cân bằng cảm xúc. Trong không gian đó, văn hóa đã giúp con người cân bằng cảm xúc, tạo ra cảm xúc tích cực, hạn chế cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tích cực giúp tạo ra xã hội nông thôn hài hoà. Xây dựng nông thôn mới đâu chỉ là đầu tư hạ tầng, mà là vun đắp tinh thần con người.
Bài học xây dựng thành công Làng văn hóa kiểu mẫu của Vĩnh Phúc là hệ quả tất yếu khi quá trình xây dựng mô hình luôn nhất quán việc lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực; lấy người dân là chủ thể, là trung tâm và đối tượng được hưởng lợi.