Chợ ế ẩm, tiểu thương khó khăn
Tiểu thương thuê mặt bằng kinh doanh tại Chợ siêu thị Đà Nẵng cho biết, chủ đầu tư thông báo sẽ truy thu tiền thuê mặt bằng tăng thêm từ tháng 6 đến tháng 9, với mức tăng 40%. Từ 4/11 tới đây, nếu tiểu thương nào không đóng tiền, chủ đầu tư sẽ tiến hành cắt điện.
Theo các tiểu thương, mức tăng như vậy là quá cao. Trong bối cảnh kinh doanh ế ẩm, nhiều khả năng họ sẽ phải đóng cửa, ngừng kinh doanh.
Bà Thanh Hoà, tiểu thương bán tạp hoá, cho biết, với diện tích 7,5m2, mỗi tháng bà phải trả tiền thuê mặt bằng là 2,4 triệu đồng. Theo mức tăng mới, bà không thể kham nổi tiền thuê vì tình hình buôn bán tại chợ ngày càng khó khăn.
Tương tự, bà Phương kinh doanh ngành hàng thịt, bày tỏ: “Các chợ khác không tăng, chúng tôi lại phải tăng thêm 40% tiền thuê mặt bằng thì quá vô lý. Trong khi so với trước đây, lượng khách giảm một nửa, còn khách vãng lai gần như không có”. Bà mong được tiếp tục thuê với mức giá cũ.
Bà Từ Thị Thương, tiểu thương bán rau, cũng cho biết, với mức tăng mới lên 40%, tiền mặt bằng mỗi tháng sẽ tăng thêm khoảng 300.000 đồng, lên mức gần 1 triệu đồng/tháng cho khoảng 1,2m2.
“Chúng tôi không đồng ý với mức tăng như trên. Trước chúng tôi được kêu gọi chuyển từ chợ truyền thống vào đây với lời hứa hẹn 'chợ truyền thống như thế nào thì sang Chợ siêu thị vẫn thế', nhưng giờ lại tăng giá quá cao. Trong khi chợ truyền thống giá thuê mặt bằng chỉ 180.000 đồng/m2. Nếu cứ tăng giá thì chúng tôi có thể buộc phải đóng cửa vì lấy tiền đâu để nộp khi buôn bán ế ẩm như thế này”, bà Thương nói.
Tiền thuê đất tăng 3,6 lần
Trao đổi với PV, ông Trần Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chợ siêu thị Đà Nẵng, cho hay, việc tăng giá thuê mặt bằng lên 40% để bù đắp chi phí do giá thuê đất tăng cao. Ngày mai (2/11), UBND TP. Đà Nẵng sẽ làm việc với công ty về vấn đề này.
Theo ông Hoàng, từ 2011-2016, công ty chỉ áp dụng mức thu với các tiểu thương là 60.000-154.000 đồng/m2/tháng. Năm 2017, đơn giá bình quân khoảng 122.000 đồng/m2/tháng.
Trong chu kỳ 2015-2019, công ty phải đóng tiền thuê đất là 583 triệu đồng/năm. Đến chu kỳ 2020-2024, với mức đơn giá thuê đất mới, số tiền thuê đất là 2,12 tỷ đồng/năm, tăng 3,6 lần so với trước.
Theo ông Hoàng, mức tăng này là rất cao. Trong khi, công ty đang chịu những khoản chi phí khác như phí quản lý, chi phí lãi vay, điện nước tăng cao, khấu hao...
Công ty đã nhiều lần đề xuất UBND TP duy trì mức hỗ trợ tiền thuê đất như chu kỳ trước đây (1,15 tỷ đồng) để hỗ trợ lại tiền thuê mặt bằng cho bà con tiểu thương tại chợ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được TP chấp thuận.
Do tiền thuê đất tăng cao, công ty đã tổ chức họp toàn thể bà con tiểu thương và ngày 9/1/2020 ra thông báo điều chỉnh tạm thu tiền thuê mặt bằng thêm 30-60% tuỳ ngành hàng. Theo đó, giá thuê mặt bằng tối đa là 368.000 đồng/m2/tháng, giá bình quân là 185.000 đồng/tháng. Bà con đã nộp với mức thu này nhưng công ty vẫn không thể đủ kinh phí để duy trì hoạt động.
Chính vì thế, đến ngày 1/1/2023, công ty đã ra thông báo tạm thu tiền thuê mặt bằng thêm 40% lên mức tối đa 515.000 đồng/m2/tháng, để bù đắp chi phí nhằm duy trì hoạt động của chợ. Tuy nhiên từ tháng 6 đến nay, nhiều tiểu thương không đồng ý.
Theo ông Hoàng, do giá thuê đất chu kỳ 2020-2024 tăng đột biến nên công ty đã nhiều lần xây dựng phương án giá trình UBND và các sở ban ngành.
Lần gần đây nhất là vào tháng 3/2023, công ty đã lập phương án giá thuê mặt bằng cho tiểu thương trình Sở Tài chính Đà Nẵng.
Theo đó, mức giá tối đa là 681.000 đồng/m2/tháng, giá bình quân là 360.000 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, đến ngày 28/8, Sở Tài chính ban hành giá dự thảo tối đa là 393.000 đồng/m2/tháng, giá bình quân là 218.000 đồng.
"Các tiểu thương ở đây là từ chợ truyền thống chuyển qua. Chúng tôi mong UBND có chính sách hài hoà lợi ích giữa tiểu thương và chủ đầu tư. Còn nếu TP không còn hỗ trợ và phê duyệt như mức giá của Sở Tài chính, công ty sẽ không đủ kinh phí hoạt động, buộc lòng chúng tôi phải đóng cửa chợ từ 1/12/2023”, Giám đốc Chợ siêu thị Đà Nẵng cho hay.