- Bạn sẽ phải đánh đổi một khoảng thời gian kha khá, để được ngấm vào mình một kiệt tác văn chương tuyệt đẹp như "Nắng tháng 8". Nó kể về phần tăm tối nhất của con người và sự nhẹ nhõm, thân thương của niềm tin. 


Tổng cộng, người đọc có lẽ sẽ mất ít nhất khoảng 20 giờ cho tác phẩm này, với gần 700 trang chi chít những gạch chân và nếp gấp trang đánh dấu. Có quá nhiều những suy tưởng xuất sắc, những biện giải và mô tả diễn biến tâm lý nhân vật rất kì tài. Vậy là không chỉ tốn thời gian, mà còn phải động não không ngừng nghỉ khi đọc sách.
{keywords}

"Nắng tháng 8" ra mắt tại Việt Nam tháng 7/2013


Có rất nhiều tuyến nhân vật đan xen, không rõ ai chính/phụ. Lena Grove - một cô gái bị lừa dối (mà không biết), bụng mang dạ chửa đi tìm người yêu; Joe Christmas - một người lai gốc da màu (nhưng trông bề ngoài như người da trắng) bị lạc mất cội rễ trong một xã hội thù địch với người da đen.  

Mục sư Hightower - một người đã thất vọng hoàn toàn với xã hội đương thời và thu mình lại đến mức gần như triệt tiêu năng lượng sống và hy vọng. Byron Bunch - người thợ bào bình dị, được mô tả là "không ai thèm ngoái lại nhìn đến lần thứ hai" - nhưng vụt trở thành người anh hùng, dám hành động, dám quả quyết và dám hy sinh sau khi tìm thấy tình yêu với Lena Grove.

Mục sư Hightower là một nhân vật đối lập với Byron Bunch - dù hai người là bạn. Qua thời gian, sức sống và năng lượng của họ đã chuyển hóa và nghịch đảo. Một người có thời trai trẻ sôi nổi, nhiệt tình, nhưng rồi tắt dần như đốm lửa vì sự đòi hỏi tàn khốc của xã hội. Một người im lặng, bình dị suốt 30 năm trời, để rồi chợt tìm ra ánh sáng khi thấy được tình yêu.

Nhưng quả thực Faulkner rất ít khi viết một tác phẩm theo chủ nghĩa anh hùng. "Nắng tháng 8" lại càng không phải tiểu thuyết anh hùng - dù nhân vật có lúc bừng sáng hay lịm tắt. Ông là nhà văn của những người bình dị nhất, những người mà ta nhìn bề ngoài thì không hiểu họ. Ta không biết ẩn sau cái vẻ bề ngoài của họ là cả 7 phần của tảng băng trôi - bí ẩn, nhiều khúc ngoặt. Faulkner thương xót con người, nhưng ông cũng dám vạch trần 7 phần chìm đó. Chúng đã tác động mạnh mẽ và hầu như làm biến đổi con người sơ khởi. 

Chính vì thế nên nhân vật Lena Grove đẹp và rất được yêu thích. Trong sự biến đổi của hoàn cảnh, trong sự đòi hỏi và tàn khốc của xã hội (bị người yêu lừa dối, bị người nhà ghét bỏ, bị người xa lạ dè bỉu) cô gái ấy giữ được sự bình tâm và giản dị đến kinh ngạc. Không một người nào có thể tác động tiêu cực được đến cô. Ngay cả việc bụng mang dạ chửa cũng không khiến cô lùi bước mà sẵn sàng đi bộ trên những con đường dài hàng trăm dặm khi không tìm được xe ngựa đi nhờ. 

"Tui sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu thấy cổ xoay sở giỏi. Người ta có làm hết sức để bỏ rơi cổ thì cũng chẳng sao, cổ chỉ việc bắt đầu lại từ cái chỗ mà họ đã bỏ rơi cổ" - một người lái xe ngựa dọc đường kể về Lena Grove như thế. 

Không có phần nào là dễ dãi trong văn của Faulker. Ông không đưa cái phần dễ dãi cho độc giả, mà đưa ra cái phần khó nhằn nhất - những suy nghĩ, lo lắng của người khác, sự tinh tế của cảm xúc và tâm lý, những biến chuyển nội tâm và tranh đấu nội tâm.

Những dòng chữ chạm vào phần sâu kín nhất của tâm lý đã bộc lộ một nhà văn điềm đạm với óc quan sát tỉ mỉ, kỹ lưỡng và sâu sắc, không ngại các chi tiết nhỏ. Bây giờ người ta hầu như không còn hành văn theo kiểu đó nữa. Mọi thứ đều chóng vánh hơn, hào nhoáng hơn, dễ nhận biết hơn và có mục đích. Chúng phải hiển hiện và lồ lộ - chứ không thâm trầm, tinh tế theo kiểu Faulkner.

{keywords}

William Faulkner (nhà văn Mỹ) đoạt giải Nobel Văn học năm 1949, và hai giải Pulitzer năm 1955 và 1963. Ông là một trong những nhà văn quan trọng nhất thế kỷ 20 với tác phẩm nổi tiếng "Âm thanh và cuồng nộ". 


"Nắng tháng 8" của Faulkner viết ra không phải để cho người khác đọc một cách ơ hờ, thoải mái. Nó là một cuộc thử thách, muốn độc giả trải nghiệm một cái gì đó rất riêng tư, rất thầm kín như tiếng thì thầm nức nở của nhân vật. Là phần tăm tối nhất của con người. Họ bị giằng néo trong một thế giới mà việc tồn tại nghĩa là nhận lãnh trách nhiệm và không thể thoát ra khỏi nó. Chỉ khi họ dám đương đầu, họ mới được tự do. 

"Phải học lại, phải tự nhủ rằng điều tệ hại nhất trong tất cả mọi người chính là sợ hãi; và tự nhủ rằng, hãy vĩnh viễn quên đi niềm lo sợ, trong phòng viết chớ có dành chỗ cho điều gì khác ngoài những chân lý và niềm tin muôn đời của tâm hồn, những sự thật phổ quát nghìn xưa mà thiếu chúng thì mọi câu chuyện đều phù phiếm và tiêu ma.

Đó chính là tình yêu và danh dự, trắc ẩn và tự hào, đồng cảm và hy sinh. 

Tôi quyết không chấp nhận sự cùng tận của con người. Rất dễ nói rằng con người bất tử chỉ vì giỏi chịu đựng, rằng khi tiếng chuông tận thế đã ngân tàn từ mỏm đá cuối cùng vô nghĩa, giữa hoàng hôn đỏ úa cuối cùng không có thủy triều lên, rằng ngay cả khi ấy vẫn còn âm thanh là tiếng nói yếu ớt không tắt của con người. Tôi quyết không chấp nhận điều ấy. Tôi tin rằng con người không chỉ chịu đựng: mà hơn nữa, sẽ vượt qua. Con người bất tử, không vì giữa muôn loài, nó có tiếng nói không bao giờ tắt, mà chính vì nó có một tâm hồn, một tinh thần biết đồng cảm, hy sinh và chịu đựng."

William Faulkner - trích Diễn từ nhận giải Nobel văn học 1949

Hồ Hương Giang