Theo kết quả rà soát, số hộ nghèo đa chiều đầu kỳ của tỉnh Bắc Kạn là hơn 22.300 hộ, chiếm tỷ lệ 27,3%, đến cuối năm 2023 là hơn 18.000 hộ, chiếm tỷ lệ 21,9%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đầu kỳ là 30,5%, đến cuối năm 2023 là 24,4%, bình quân mỗi năm giảm 3%.

Ông Dương Bằng Giang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn, cho biết năm 2024, tỉnh đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ bình quân từ 2% đến 2,5% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

Triển khai công tác giảm nghèo năm 2024 theo hướng bền vững, đa chiều, bao trùm phải căn cứ vào thành quả các năm trước đạt được. Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện, chú trọng tiếp cận bù đắp các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Trong đó, các địa phương hỗ trợ thủ tục cho gần 13.200 lượt hộ nghèo; 6.230 lượt hộ cận nghèo; 2.159 hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Hơn 212.000 đối tượng chính sách xã hội được cấp thẻ BHYT; thực hiện hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 124.500 lượt học sinh nghèo, cận nghèo với kinh phí hơn 246 tỷ đồng.

Quan tâm đến nhà ở, Bắc Kạn bố trí, huy động hơn 68,7 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho gần 1.800 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở.

Để đạt được kết quả đó, cấp tỉnh, cấp huyện (1 thành phố, 7 huyện) và các xã, phường, thị trấn đều đồng sức nỗ lực trong tổ chức thực hiện. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nhất là chính sách tín dụng ưu đãi, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tạo sinh kế bền vững cho người dân và hoạt động đào tạo nghề... được chú trọng triển khai.

Đặc biệt, bên cạnh khai thác nguồn lực tổng hợp từ các chương trình, dự án thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, dù nội lực còn nhiều khó khăn nhưng Bắc Kạn đã phát huy tính sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, thực hiện; vận động xã hội hoá các nguồn hỗ trợ để giúp người nghèo sớm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từ đó có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Tại huyện Na Rì, lãnh đạo UBND huyện cho biết cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo, UBND cấp xã tại địa phương này được chỉ đạo tổ chức rà soát, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo để tham mưu biện pháp hỗ trợ phù hợp. Kết thúc năm 2023, toàn huyện giảm 3,91% hộ nghèo, đạt 111,7% chỉ tiêu kế hoạch.

W-dan toc mien nui.jpg

Tại cấp xã, thị trấn Đồng Tâm (huyện Chợ Mới) có nhiều cách làm hay. Địa phương thường xuyên rà soát, có kế hoạch hỗ trợ cụ thể; xác định rõ nhu cầu vay vốn và phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn. Thị trấn cũng tích cực phối hợp mở các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ, tạo điều kiện để người nghèo tự tạo việc làm, tăng thu nhập để ổn định cuộc sống.

Kết thúc năm 2023, thị trấn Đồng Tâm giảm được 17 hộ nghèo, đưa tổng số hộ nghèo trên địa bàn còn 73 hộ, bằng 4,47%; thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người/năm. Năm 2024, địa phương phấn đấu giảm 5 hộ nghèo, nâng thu nhập bình quân đạt 46 triệu đồng/người/năm.

Năm 2024, nhằm đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn tiếp tục triển khai Dự án liên kết chăn nuôi lợn nái sinh sản gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Trần Phú, huyện Na Rì. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai 2 dự án liên kết chuỗi giá trị hỗ trợ các chu kỳ tiếp theo của dự án đã được phê duyệt. Cấp huyện, thành phố đã thẩm định 13 dự án cộng đồng; 7 dự án chuỗi liên kết giá trị đã lập hồ sơ thẩm định, các dự án dự kiến thực hiện năm 2024. 

Trong những tháng còn lại của năm 2024, Bắc Kạn đôn đốc tiến độ giải ngân vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với quy hoạch, tiềm năng của địa phương để đạt được mục tiêu; xây dựng và phát triển các mô hình sinh kế, dự án giảm nghèo, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Tỉnh tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên, tạo điều kiện giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.