Đã 80 năm kể từ khi bản Đề cương về văn hóa do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2/1943, dù trải qua nhiều biến động thời cuộc, những giá trị của bản Đề cương vẫn còn nguyên tính thời sự.

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, vào ngày 27/3/2023, Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển".

Những quan điểm có tác dụng soi đường và định hướng tư tưởng

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho hay, với Đề cương về văn hóa Việt Nam, lần đầu tiên Đảng ta đã trình bày rõ ràng những quan điểm cơ bản của mình về văn hóa; về vị trí của văn hóa trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc; về sự tất yếu phải thực hiện cách mạng tư tưởng văn hóa sau khi cách mạng chính trị thành công và định hướng xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam.

Cụ thể: Văn hóa "bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật", thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội; nền tảng kinh tế của một xã hội quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội ấy; Đảng đã xác định văn hóa là một mặt trận đấu tranh cách mạng quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa và cách mạng văn hóa; Thức tỉnh và thu hút, tập hợp giới trí thức, văn nghệ sỹ Việt Nam vào sự nghiệp cứu quốc dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Huy động sức mạnh văn hóa trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc; Định hướng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam mới dựa trên 3 nguyên tắc : dân tộc, khoa học, đại chúng; Xác định tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam: dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung.

Tuy rất ngắn gọn trong 1.500 chữ, thế nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện một cách sâu sắc và dễ hiểu những quan điểm của Đảng về văn hóa và cách mạng văn hóa ở Việt Nam, trên cơ sở những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin.

Những quan điểm đó đã có tác dụng soi đường và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn thể dân tộc qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, đóng góp vào thắng lợi chung của cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, những ý nghĩa và giá trị của bản "Đề cương về văn hóa Việt Nam" sẽ vẫn tiếp tục được khẳng định và phát huy.

Động lực phát triển văn hóa theo hướng bền vững

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa quan trọng của Đề cương về văn hóa, trong 80 năm qua, Đảng ta đã có nhiều giải pháp nhằm kế thừa và phát huy giá trị những quan điểm lý luận của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó tìm ra động lực phát triển văn hóa theo hướng bền vững, điều này được thể hiện trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, cụ thể:

Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII (1998) về Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã khẳng định, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó, yếu tố tiên tiến và bản sắc dân tộc được hòa quyện, gắn bó hữu cơ trong các yếu tố cấu thành của nền văn hóa, đảm bảo tính kế thừa và phát triển, vừa giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời đảm bảo tính mở, tiếp thu tinh hoa của văn hóa nhân loại.

W-vanmieu.png
Một góc Văn miếu- Quốc tử giám

Bản sắc văn hóa được thể hiện rõ trong truyền thống dân tộc, là các giá trị văn hóa tiêu biểu được trao truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, được khai thác và phát huy, tiếp tục bồi đắp, tạo nên dòng chảy văn hóa của dân tộc từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Cương lĩnh năm 2011 cũng chỉ rõ: Để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đòi hỏi phải kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhân tố con người

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của nhân tố con người, trong đó quan điểm chủ đạo là: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

5 quan điểm chính của Nghị quyết gồm: 1/ Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; 2/ Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; 3/ Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, có lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; 4/ Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; 5/ Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Nhóm PV