Lịch sử ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng là lịch sử hình thành, phát triển và ghi nhận sự đóng góp to lớn của Tổng cục Chính trị trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và trực tiếp, thường xuyên của Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị đã và đang phát huy tốt vai trò nghiên cứu, tham mưu chiến lược và chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ với chất lượng, hiệu quả tốt. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, làm cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Đại tướng Lương Cường trao cờ của Tổng cục Chính trị tặng các đơn vị ttiêu biểu, xuất sắc trong phong trào Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2014-2019. (Ảnh: qdnd.vn)

Xuất phát từ quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tổ chức ra quân đội công nông”, “vũ trang cho công nông”, “lập quân đội công nông”, “tổ chức đội tự vệ công nông”, được xác định trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt (02-1930) và Luận cương (10-1930); đồng thời, từ cao trào đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều tổ chức vũ trang cách mạng đã ra đời, đó là: Tự vệ đỏ, Du kích Nam Kỳ, Du kích Ba Tơ, Cứu quốc quân, v.v. Những tổ chức vũ trang này đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, nên ngay từ đầu đã có hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, giúp cho các tổ chức vũ trang có phương hướng, mục tiêu hoạt động đúng.

Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, ngày 22-12-1944, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Đội có một chi bộ lãnh đạo. Bên cạnh đội trưởng là chính trị viên; giúp việc chính trị viên có một cán bộ chính trị. Một tuần sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân phát triển thành đại đội và Ban Công tác chính trị ra đời, gồm: Trưởng ban là chính trị viên đại đội, ba chính trị viên trung đội và một đồng chí có khả năng hoạt động công tác chính trị. Sau buổi thành lập, Đội đã tuyên thệ dưới cờ đỏ sao vàng, đọc mười lời thề, cùng nhau ăn một bữa cơm nhạt không rau, không muối để thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Để kịp thời tuyên truyền chiến thắng đầu tiên, tiêu diệt đồn Phai Khắt (25-12-1944) và Nà Ngần (26-12-1944), Đội đã phát hành báo “Tiếng súng reo”, viết tay bằng 4 thứ tiếng: Kinh, Tày, Nùng, Dao. Đó là tờ báo đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng, làm công cụ tuyên truyền về công tác chính trị, tư tưởng trong bộ đội; đưa đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Những quan điểm trên báo “Tiếng súng reo” và thực tiễn hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã khẳng định: sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội là công việc rất cần thiết, một nguyên tắc được xác lập ngay từ khi thành lập Quân đội nhân dân và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Đồng thời, là nền móng vững chắc cho sự hình thành, phát triển đội ngũ chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị, tổ chức cơ quan chính trị và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), nhân dân ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới và bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành các sắc lệnh về tổ chức Bộ Quốc phòng, Quân đội. Trong đó, có việc thành lập Chính trị Cục thuộc Bộ Quốc phòng (3-1946), tiếp đó là Cục Chính trị thuộc Bộ Tổng Chỉ huy và Quân sự ủy viên Hội (5-1946), Cục Chính trị Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy (11-1946). Như vậy, cùng với việc từng bước hoàn thiện và phát huy vai trò quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị, tổ chức cơ quan chính trị toàn quân cũng được kiện toàn, phát triển. Đặc biệt, thực hiện Quyết định của Trung ương Đảng về “Sửa đổi tổ chức Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng Tư lệnh và kiện toàn sự chỉ đạo quân sự của Đảng”, ngày 11-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 121/SL, thành lập Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam, gồm: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và Tổng cục Cung cấp. Tổng cục Chính trị gồm các Cục: Tổ chức (phụ trách cả công tác cán bộ), Tuyên huấn, Địch vận, Quân pháp, Nhà xuất bản Vệ quốc quân và Văn phòng Tổng cục. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng được giao làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự phát triển về tổ chức và vị trí, vai trò quan trọng của cơ quan chính trị toàn quân (từ Cục lên Tổng cục), đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Từ đó đến nay, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như hệ thống cơ quan chính trị, đội ngũ chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị trong toàn quân không ngừng phát triển, hoàn thiện, thường xuyên được kiện toàn về tổ chức biên chế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổng cục Chính trị luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, bám sát yêu cầu tác chiến trên chiến trường, thực tiễn xây dựng Quân đội, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, thời bình cũng như khi đất nước có chiến tranh, nhất là trước những bước ngoặt của lịch sử, Tổng cục Chính trị luôn chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đảng, Quân ủy Trung ương các chủ trương, biện pháp chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ. Trong đó, tập trung vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xây dựng và củng cố bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội; giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống mọi biểu hiện lệch lạc, sai trái, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tổng cục Chính trị đã tham mưu cho Đảng và Quân ủy Trung ương về các chủ trương, biện pháp giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; chủ động, tích cực chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Tổng cục Chính trị luôn quan tâm công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, đề xuất biện pháp hoàn thiện và củng cố cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội thông suốt, hiệu quả. Cùng với đó, Tổng cục đã chủ động tham mưu giúp Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương hoạch định các chủ trương, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội vững mạnh, có số lượng đủ, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao; luôn phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu trong nhận thức và hành động, lời nói và việc làm, xứng đáng với vai trò nòng cốt trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Tổng cục Chính trị thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị, làm cho công tác đảng, công tác chính trị luôn là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội. Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng trong tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện tốt công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ: chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật; công tác quân sự, quốc phòng địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong bảo vệ chính trị nội bộ, dân vận, chính sách, quần chúng,… phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, người có công với cách mạng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách, mang lại ý nghĩa xã hội to lớn, giúp cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, dù thời chiến hay thời bình, toàn quân luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ “đội quân công tác”, chủ động, tích cực tham gia, làm tốt công tác dân vận, góp phần tăng cường quan hệ đoàn kết quân - dân, thực hiện quân với dân một ý chí, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Quân đội. Trước mọi khó khăn gian khổ và những diễn biến phức tạp của tình hình, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng.

Để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; làm tốt chức năng tham mưu chiến lược về công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ, Tổng cục Chính trị luôn quan tâm chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Cơ quan Tổng cục Chính trị vững mạnh toàn diện; duy trì nghiêm chế độ, nền nếp, nguyên tắc sinh hoạt công tác đảng, công tác chính trị; nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất nội bộ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Cơ quan Tổng cục Chính trị có phẩm chất và năng lực toàn diện; tích cực đổi mới lề lối, phong cách làm việc phù hợp với yêu cầu chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, chỉ đạo chiến lược về công tác đảng, công tác chính trị. Cơ quan Tổng cục Chính trị luôn gương mẫu đi đầu trong quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp trong Tổng cục Chính trị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt các quy định của Trung ương và Thường vụ Quân ủy Trung ương về nêu gương; chăm lo thực hiện tốt chế độ, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, yêu mến, gắn bó với đơn vị, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

75 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Tổng cục Chính trị luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; bám sát cơ sở và thực tiễn hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của các đơn vị trong toàn quân, kịp thời tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn toàn quân tiến hành toàn diện, đồng bộ các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, cùng với toàn Đảng, toàn quân tiến hành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây đắp nên truyền thống: “Trung thành, kiên định; gương mẫu, tiêu biểu; nguyên tắc, dân chủ; chủ động, sáng tạo; nhạy bén, sắc sảo; đoàn kết, thống nhất, quyết chiến quyết thắng”.

Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, nghiêm túc nhìn nhận lại chặng đường 75 năm qua, Tổng cục Chính trị cũng còn có những hạn chế trong tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, nhất là ở một vài thời điểm quan trọng, chưa thật sự chủ động, nhạy bén, kịp thời. Vì vậy, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả một số mặt công tác đảng, công tác chính trị có thời điểm chưa thật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội về chính trị.

Hiện nay, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo, nhất là tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, khó dự báo, tiềm ẩn những nhân tố dễ gây mất ổn định, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, an ninh của khu vực và mỗi quốc gia. Đất nước ta sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực tăng lên, uy tín quốc tế được nâng cao, tạo những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị với nhiều thủ đoạn tinh vi, nham hiểm, thông qua thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi. Những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tiêu cực, tệ nạn xã hội cũng ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm, lối sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Tình hình trên, đặt ra yêu cầu cao đối với công tác đảng, công tác chính trị, đòi hỏi Tổng cục Chính trị phải được xây dựng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược về công tác đảng, công tác chính trị, góp phần quan trọng, mang ý nghĩa quyết định đối với việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng với Quân đội, xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Vì vậy, trong thời gian tới, Tổng cục Chính trị cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; trọng tâm là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết Trung ương (khóa XII) của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cơ quan Tổng cục Chính trị lần thứ XVIII và Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, v.v. Đồng thời, bám sát nhiệm vụ, làm tốt chức năng nghiên cứu, tham mưu chiến lược, chỉ đạo, hướng dẫn toàn quân triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nội dung, chương trình, kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị, góp phần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Tích cực triển khai chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục Chính trị với các ban của Đảng, các cơ quan thông tấn, truyền thông, nâng cao hiệu quả tuyên truyền về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, công tác đối ngoại quốc phòng, giao lưu hữu nghị biên giới với các nước láng giềng, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, v.v.

Hai là, xây dựng Đảng bộ Cơ quan Tổng cục Chính trị trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, góp phần xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục và toàn quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tập trung xây dựng các đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo, tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu chiến lược. Từng chi bộ, đảng bộ duy trì nghiêm chế độ, nền nếp công tác đảng, công tác chính trị; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo các mặt công tác trọng yếu. Đảng bộ Cơ quan Tổng cục gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chỉ thị 855-CT/QUTW, ngày 12-8-2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”. Tăng cường công tác quản lý, rèn luyện đảng viên, nắm chắc tình hình tư tưởng, các mối quan hệ xã hội, chấp hành kỷ luật Quân đội, Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương, nhất là Quy định về những điều đảng viên không được làm, v.v. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát; làm tốt công tác sàng lọc cán bộ, đảng viên; kiên quyết đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng, không để ở cơ quan có đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Cơ quan Tổng cục Chính trị phải thực hiện nghiêm và mẫu mực các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên theo các quy định của Trung ương và Quân ủy Trung ương1; nói đi đôi với làm, tự giác học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, thực sự là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, quần chúng noi theo.

Ba là, xây dựng Cơ quan Tổng cục Chính trị vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Đây là nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định việc giữ vững định hướng chính trị, nâng cao năng lực tư duy lý luận, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục trong tình hình mới. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tốt việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, nội dung, chương trình, chế độ, nền nếp giáo dục chính trị, tư tưởng; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới theo Chỉ thị 23-CT/TW, ngày 09-02-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII). Đồng thời, chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm, tư tưởng sai trái, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong từng cơ quan, đơn vị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Tập trung củng cố, kiện toàn các cơ quan của Tổng cục theo hướng tinh gọn, mạnh, làm cơ sở nâng cao năng lực tham mưu chiến lược và chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; chủ động rà soát, hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, chức danh, nhóm chức vụ, trần quân hàm cán bộ các cơ quan, đơn vị, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng tốt các yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Tổ chức thực hiện, hoàn thành tốt nội dung, chương trình huấn luyện quân sự cho các đối tượng, coi trọng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, tư duy quân sự cấp chiến dịch, chiến lược cho đội ngũ cán bộ chủ trì lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, cán bộ nghiên cứu. Tăng cường công tác quản lý quân số, kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, cải cách hành chính; duy trì nghiêm các chế độ sinh hoạt, học tập, làm việc, nhất là chế độ trực ban, trực chỉ huy, trực nghiệp vụ; đổi mới phong cách, tác phong làm việc theo hướng sát cơ sở, thiết thực và hiệu quả. Thường xuyên bổ sung, luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, các phương án phòng, chống cháy, nổ, thiên tai, bảo đảm cơ quan, đơn vị an toàn về mọi mặt. Thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, tài chính, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ. Chấp hành nghiêm nguyên tắc, quy chế, quy định, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an toàn về người và phương tiện trên các lĩnh vực công tác.

Bốn là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Cơ quan Tổng cục Chính trị, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược và cán bộ chủ trì, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quán triệt, thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là Nghị quyết 109-NQ/QUTW, ngày 11-02-2019 của Quân ủy Trung ương về “Xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có số lượng đủ, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, có trình độ, năng lực, phong cách công tác ngang tầm nhiệm vụ. Trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; có năng lực lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị; có đủ tiêu chuẩn, tín nhiệm để bầu vào cấp ủy cùng cấp và tham gia cấp ủy cấp trên, xứng đáng là hạt nhân đoàn kết xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Đối với cán bộ nghiên cứu, tham mưu, chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị toàn quân, phải có kiến thức toàn diện, năng lực chuyên môn sâu và chỉ đạo hoạt động thực tiễn tốt, nhất là năng lực nghiên cứu, phát hiện, tham mưu, đề xuất và hướng dẫn, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ; có khả năng biên soạn, biên tập các văn bản theo từng chuyên ngành công tác đảng, công tác chính trị; có phương pháp, tác phong công tác khoa học, quan điểm, thái độ, trách nhiệm tốt, trung thực, thẳng thắn, có kinh nghiệm thực tiễn, sâu sát cơ sở. Đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật có kiến thức về công tác đảng, công tác chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề. Xây dựng đội ngũ ở cơ quan pháp luật có kiến thức toàn diện, chuyên sâu, nắm chắc pháp luật, có quan điểm đúng, công tâm, khách quan, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm. Quan tâm chăm lo bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, trình độ năng lực, quan điểm, thái độ, trách nhiệm phục vụ cho đội ngũ cán bộ hậu cần, tài chính, kinh tế, sản xuất, kinh doanh.

Để đạt được các tiêu chuẩn đó, cần đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kết hợp bồi dưỡng tại chức, truyền thụ kinh nghiệm công tác với đào tạo tại trường, luân chuyển, đi thực tế đơn vị cơ sở để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ. Khuyến khích cán bộ tự học tập nâng cao trình độ, năng lực toàn diện, chuyên sâu; cấp trên trực tiếp bồi dưỡng cấp dưới, đổi mới lề lối làm việc, sâu sát cơ sở, cụ thể, tỉ mỉ trong công việc, chống biểu hiện trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại, thụ động, rập khuôn, máy móc. Kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng, quản lý, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ hiện có với việc phát hiện, lựa chọn cán bộ trong toàn quân về cơ quan công tác; chủ động tham gia với cấp trên về phát triển, bồi dưỡng, quy hoạch, chuẩn bị nguồn cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị gắn với chuẩn bị đội ngũ cấp ủy các cấp trong đại hội nhiệm kỳ tới, bảo đảm đội ngũ cán bộ cơ quan luôn ổn định, nguồn kế cận, kế tiếp vững chắc.

Năm là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dự báo, tham mưu chiến lược về công tác đảng, công tác chính trị. Từ tổng kết thực tiễn, cần đúc rút thành bài học, nghiên cứu phát triển lý luận để chỉ đạo thực tiễn. Phát huy thành tựu đã đạt được, nghiêm túc tiếp thu, khắc phục những hạn chế, bảo đảm cho chức năng tham mưu chiến lược về công tác đảng, công tác chính trị ngày càng hiệu quả. Thực tiễn xây dựng Quân đội, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị luôn vận động, phát triển với những thời cơ, thách thức đan xen, đòi hỏi công tác tham mưu chiến lược phải có tầm nhìn xa trông rộng, phải tiếp tục đổi mới theo hướng bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng khách quan, nghiên cứu dự báo đúng tình hình làm cơ sở tham mưu trúng, kịp thời, hiệu quả. Để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết một số vấn đề nổi cộm đó là: tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội đã được xác định trong Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX); đề cao tính chủ động, nhạy bén, sắc sảo của công tác tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ các cấp của Tổng cục Chính trị, v.v. Đồng thời, chú trọng đổi mới phong cách, phương pháp, tác phong công tác, trước hết là phong cách lãnh đạo của các cấp ủy, chi bộ; phong cách làm việc, phương pháp, tác phong công tác và sinh hoạt của cán bộ, đảng viên; luôn nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả, tận tụy, tận tâm, tận lực với công việc, thi đua “làm hết việc, không chỉ làm hết giờ”; thực hiện đúng chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử với các cơ quan, đơn vị. Trước mắt, tập trung nghiên cứu, nắm vững chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương và các quy định, hướng dẫn của Trung ương, chủ động tham mưu giúp Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Xây dựng Tổng cục Chính trị vững mạnh toàn diện, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược về việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong thời kỳ mới là vấn đề hệ trọng, cơ bản, lâu dài cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc, có biện pháp thiết thực, hiệu quả để đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm qua, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cơ quan Tổng cục Chính trị ra sức phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng Đảng bộ Cơ quan Tổng cục Chính trị trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, Cơ quan Tổng cục vững mạnh toàn diện, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Đại t­ướng LƯƠNG CƯỜNG, Bí thư­ Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
____

______________

1 - Quy định 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định 646-QĐ/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp trong Quân đội”, v.v.

Theo tapchiqptd.vn