Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Thắng (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này.
´Ông có thể cho biết tổng quan về TSNN tại các cơ quan, tổ chức nhà nước?
TSNN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương bao gồm: Đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô các loại và tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/đơn vị tài sản.
Tính đến ngày 31/12/2013, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN do Bộ Tài chính quản lý, TSNN có tổng giá trị 930.244,79 tỷ đồng tại gần 100.000 đơn vị, chưa bao gồm TSNN tại các đơn vị lực lượng vũ trang và cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Trong toàn bộ TSNN thì TSNN do địa phương quản lý chiếm 74,12% về giá trị và 87,62% về số lượng, TSNN do Trung ương quản lý chiếm 25,88% về giá trị và 12,38% về số lượng.
Xét về tổng thể cả hiện vật và giá trị, thì khối đơn vị sự nghiệp sử dụng nhiều TSNN nhất, chiếm 64,41% về hiện vật và 68,62% về giá trị; khối các cơ quan nhà nước đứng vị trí thứ hai với hơn 32,7% tổng số hiện vật và hơn 27,6% tổng giá trị, tiếp theo là khối các tổ chức.
Trong năm 2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, TSNN 2013 chủ yếu tăng đối với những TSNN thực sự cấp thiết phải mua sắm như ô tô chuyên dùng, tài sản thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục... năm 2013, tổng giá trị TSNN tăng 25.329,27 tỷ đồng, giảm nhiều so những năm gần đây.
´Ông đánh giá thế nào về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong năm qua?
Công tác quản lý, sử dụng TSNN tại các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quy trình xử lý tài sản được quy định chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch; thẩm quyền quyết định xử lý rõ ràng, tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước được đẩy nhanh.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng TSNN được giao quyền chủ động trong việc sử dụng dự toán ngân sách và tài sản nhà nước. Mỗi bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có sự phân cấp khác nhau cho các đơn vị trực tiếp sử dụng TSNN. Tuy nhiên, về cơ bản đã có sự phân cấp mạnh mẽ cho các đơn vị trực tiếp sử dụng để bảo đảm tài sản phục vụ nhiệm vụ được giao.
Đối với tình hình mua sắm TSNN, trong năm 2013, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách nhà nước 2013 theo nguyên tắc tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ hiện hành.
Việc thí điểm thực hiện mua sắm theo phương thức tập trung tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, góp phần tiết kiệm kinh phí. Từ năm 2008 đến nay, thông qua hình thức này, ngân sách nhà nước đã giảm chi hàng trăm tỷ đồng. Tài sản mua sắm chủ yếu là các trang thiết bị văn phòng, thiết bị giáo dục, trang thiết bị y tế, tin học... Bộ Tài chính đã tổng kết thí điểm mua sắm tài sản theo phương thức tập trung và xây dựng đề án hình thành Trung tâm mua sắm tập trung để thực hiện dịch vụ đấu thầu mua sắm công, đấu giá khi bán thanh lý, giao cho thuê tài sản công... trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành, áp dụng trên phạm vi cả nước.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng TSNN, Bộ Tài chính có những giải pháp nào, thưa ông?
Năm 2014, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường việc quản lý trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN. Trong đó, Bộ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như: Thực hiện nhất quán chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm trong đầu tư xây dựng, mua sắm TSNN. Không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật), việc mua xe ô tô chuyên dùng phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với số lượng, chủng loại xe ô tô chuyên dùng, rà soát các nội dung đầu tư công, cắt giảm các chi phí, hạng mục chưa cần thiết, bảo đảm triệt để tiết kiệm, đúng chế độ quy định.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước nhằm sử dụng, khai thác có hiệu quả hơn quỹ nhà, đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN và hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong mua sắm, đầu tư xây dựng TSNN; tăng cường kiểm tra, giám sát, việc sử dụng ngân sách nhà nước, việc quản lý, sử dụng TSNN; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chế độ quản lý, sử dụng TSNN.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo TTXVN