Trang web Enbac.com hiện có tới hàng trăm nghìn gian hàng online đang hoạt động. Theo chị Hoàng Thị Ngọc Anh, nhân viên kinh doanh của Én Bạc, khách hàng muốn mở shop trên website thì phải đăng ký làm thành viên chính thức, với phí trước đây là 75.000 đồng, còn hiện nay là 45.000 đồng. Khi đã là thành viên chính thức, chủ gian hàng sẽ được đăng (up) 1 tin miễn phí mỗi ngày lên trang nhất.
Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thương mại điện tử vào kinh doanh.

Tuy nhiên, vì số lượng tin đăng rất nhiều nên chỉ vài chục phút sau, những tin mới up sẽ nhanh chóng trôi vào trang trong. Vì vậy, chủ topic muốn thu hút khách sẽ phải up lại tin. Những lượt up sau lượt đầu sẽ mất phí.

Chị Ngọc Anh cho biết, trung bình mỗi tin đăng trên Én Bạc, chủ topic up 20 lượt mỗi ngày. Mà mỗi chủ gian hàng một ngày trung bình đăng 5 tin rao vặt với các nội dung khác nhau. Như vậy, mỗi ngày trung bình một chủ gian hàng có khoảng 100 lượt up trên Én Bạc, tương đương với mức phí 30.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng trung bình một chủ gian hàng trả phí cho việc kinh doanh trên Én Bạc khoảng 900.000 – 1 triệu đồng.

Cũng theo chị Ngọc Anh, trang web mua bán này hiện có tới 500.000 gian hàng đang hoạt động. Như vậy, tiền thu về mỗi tháng từ các chủ gian hàng ước tính lên tới 500 tỷ đồng.

Đây mới chỉ là mức tính trung bình. Bởi theo một nhân viên khác của Én Bạc, có tháng, nhiều chủ tài khoản up tin nhiều đến nỗi tiền phí họ bỏ ra khoảng 3 – 4 triệu đồng. Công ty còn có dịch vụ thu tiền mua lượt up tin tại nhà của khách hàng. Theo đó, cứ trả 1.000.000 đồng khách hàng được 3.300 lượt up, 2.000.000 đồng được 7.000 lượt up…, 10.000.000 đồng được 40.000 lượt up. Theo nhân viên này, có không ít người mua 1 lúc cả chục triệu đồng tiền up tin, nhưng họ chỉ dùng trong 2 – 3 tháng là hết.

Còn trang web mua bán Rongbay.com, khách hàng đăng ký làm thành viên miễn phí. Các thành viên được tự động up tin rao vặt. Tuy nhiên, mỗi người chỉ được miễn phí 10 lượt đăng đầu tiên cho 10 tin rao có nội dung khác nhau trong ngày, còn để up thêm, họ phải mất phí. Họ có thể mua lượt up qua tin nhắn, với giá 15.000 đồng = 15 lượt up, hoặc qua chuyển khoản với giá 50.000 đồng được 150 lượt up tin.

Có thể với các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, RongBay không nhiều gian hàng như ở Én Bạc, nhưng về bất động sản, nhà đất, sim thẻ thì các gian hàng, tin rao trên trang web này khá đông. Một nhân viên tại đây cho biết, doanh thu của website hàng tháng lên tới vài chục tỷ đồng.

Những khoản lợi nhuận kể trên của các trang web mua bán qua mạng chỉ là những khoản thu cơ bản. Bởi ngoài ra, các trang web này còn kiếm lời khá béo bở từ các hợp đồng quảng cáo. Chẳng hạn, gian hàng nào muốn lên nổi bật của website, hay tạo banner quảng cáo động/tĩnh riêng... thì phải trả thêm tiền phí không hề nhỏ.

Những trang web lớn kiếm lời khủng đã đành, những trang mua bán qua mạng nhỏ cũng ăn lời không kém. Trong khi chi phí để trang trải cho hoạt động của trang web, lương nhân viên… chẳng thấm vào đâu so với doanh thu.

Melinhxinh.com là một trang web bán hàng qua mạng do một bà mẹ có cô con gái tên là Linh lập ra để kiếm thêm sau giờ làm việc. Mặt hàng chính của melinhxinh chỉ là đồ khuyến mại thừa của các hãng sữa, mỹ phẩm, điện tử… nhưng vì giá rẻ, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nên melinhxinh đã thu hút được rất nhiều các bà mẹ khác đặt mua. Sau 2 năm bán hàng qua mạng, hiện giờ chị Lê Thị Hà, chủ nhân của website (số 9, ngõ 228/14 Trần Điền, gần khu đô thị Định Công) vẫn đi làm bình thường nhưng  tối đến chị lại cùng người thân đóng hàng để ngày hôm sau nhờ xe ôm chuyển đến cho khách. Manh mún là vậy nhưng doanh thu mỗi ngày của melinhxinh lên tới vài chục triệu đồng. Có những mặt hàng vừa nhập về, chưa kịp chụp ảnh đăng lên mạng thì khách đã đến tận nơi mua hết.

Chị Hà cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu của chính bản thân là muốn tìm hàng tốt và rẻ cho con, rồi mình nhận thấy một nhu cầu rất lớn của các bà mẹ trẻ và mình tìm cách đáp ứng bằng việc lập ra website melinhxinh.com. Ban đầu mọi người cũng không đón nhận lắm vì họ không tin. Sau rồi các mẹ thích và mách nhau. Melinhxinh mang lại cho tôi rất nhiều thứ, giúp tôi hiểu thêm về kinh doanh, có thêm nhiều mối quan hệ và đặc biệt giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định”.

Nếu nhận ra những lợi thế của thương mại điện tử và tích cực ứng dụng thì đôi khi, chỉ một bà nội trợ, một công chức nhà nước cũng có thể kiếm lợi lớn. Và thương mại điện tử cũng có thể áp dụng vào những lĩnh vực ít ai ngờ tới như bất động sản hay tài chính.

Trang web về bất động sản wikinhađat.com là một trong những website thương mại điện tử chuyên về bất động sản mới được thành lập. Mỗi một bất động sản rao bán không chỉ có vài con số thông thường như diện tích, số tầng, năm ở khu vực nào như nhiều website khác, mà còn có video clip kèm theo quay phim chi tiết từ trong nhà ra ngoài ngõ, kể cả bản đồ định vị toàn cầu giúp xác định vị trí căn nhà dễ dàng hơn. Người mua có thể ngồi một chỗ xem và lựa chọn hàng nghìn căn nhà cùng một lúc còn người bán thì không phải tiếp nhiều khách. Giao dịch diễn ra nhanh chóng, minh bạch.

Tuy chưa thể nói được lợi nhuận mà website này có được, vì chủ của trang web tuyên bố miễn phí đăng tin và quay phim không giới hạn cho người bán, và phí xem tin cho người mua mãi mãi. Thế nhưng, dù mới thành lập mà website đã có cả triệu lượt truy cập, thu hút không ít quảng cáo, được nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn nhắm đến, thì có thể nói tiềm năng của trang web này không nhỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao, quyết định nhiều nhất đến sự thành công hay thất bại của một hệ thống thương mại điện tử, đó là chữ tín. Nếu có được lòng tin của khách hàng thì uy tín lan tỏa rất nhanh và thàng công sẽ đến. Còn nếu không giữ uy tín, làm ăn chụp giật thì người kinh doanh thương mại điện tử cũng sẽ nhanh chóng bị khách hàng “tẩy chay”. Vì hiện nay cộng đồng mạng liên kết với nhau rất chặt chẽ, họ có nhiều diễn đàn để tập trung và trao đổi thông tin với nhau như lamchame, webtretho… Chỉ cần người kinh doanh thương mại điện tử nào đó làm ăn không uy tín, họ sẽ chia sẻ và mách cho nhau để tránh.

(Theo Đất Việt)