Những thông tin tối mật được Wikileaks tiết lộ cho thấy, Bắc Kinh tỏ ra thất vọng với những hành động quân sự của “đứa trẻ hư hỏng” và ngày càng ủng hộ thống nhất hai miền Triều Tiên.


Theo thông tin bị rò rỉ từ đại sứ quán Mỹ, Trung Quốc bày tỏ mong muốn chấp nhận thống nhất Triều Tiên và bí mật tự giữ khoảng cách với Bình Nhưỡng. Đó là chưa kể các nhân vật cấp cao của Bắc Kinh đã coi đồng minh chính thức của họ là một “đứa trẻ hư hỏng”.


Thông tin từ Wikileaks về sự thay đổi của Trung Quốc được đưa ra đúng lúc tình hình trên bán đảo Triều Tiên rất căng thẳng sau khi quân đội Bình Nhưỡng nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc tuần trước làm 4 người thiệt mạng, đe dọa chiến tranh giữa hai miền. 

Ảnh: beehivecity

Hôm nay, trong nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao, Bắc Kinh đã kêu gọi “hội đàm khẩn cấp” bàn về tình hình trên bán đảo Triều Tiên và mời một quan chức cấp cao của Bình Nhưỡng tới Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc đã chỉ trích chiến thuật gây áp lực của Mỹ với Triều Tiên và bày tỏ mong muốn nối lại đàm phán sáu bên bàn về hạt nhân.

 


Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, theo thông tin mà Wikileads đưa ra, sự thất vọng của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng gia tăng kể từ vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên năm ngoái, do lo lắng về ảnh hưởng kinh tế của một khu vực bất ổn, và quan ngại rằng, sẽ xảy ra cuộc tranh giành quyền lực kế nhiệm ông Kim Jong-il.


Việc Trung Quốc giữ khoảng cách với Triều Tiên được tiết lộ trong các thông tin rò rỉ mới nhất từ đại sứ quán Mỹ mà Guardian và bốn tờ báo quốc tế khác có được.


Đêm qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố, Mỹ “rất lấy làm tiếc” về việc cung cấp các thông tin mật của WikiLeaks. Bà khẳng định với báo chí tại trụ sở bộ Ngoại giao Mỹ: “Nó tấn công vào cộng đồng quốc tế, đặt cuộc sống của nhiều người vào vòng nguy hiểm, đe dọa an ninh quốc gia và xói mòn nỗ lực cùng làm việc với các nước khác để giải quyết các vấn đề chung”.


Tài liệu rò rỉ về vấn đề Triều Tiên gồm:


• Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc cho hay, hai quan chức cấp cao của Trung Quốc nói với ông rằng, họ tin là cần thống nhất hai miền Triều Tiên dưới sự kiểm soát của Seoul, và quan điểm này được giới lãnh đạo Bắc Kinh tán thành.


• Thứ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc nói với quan chức Mỹ rằng, Bình Nhưỡng đã hành xử như một “đứa trẻ hư” để thu hút sự chú ý của Washington vào tháng 4/2009 bằng việc thử hàng loạt tên lửa.


• Một đại sứ Trung Quốc đã cảnh báo rằng, hoạt động hạt nhân của Triều Tiên là “một mối đe dọa với an ninh toàn thế giới”.


• Quan chức Trung Quốc ước tính rằng, họ có thể phải đối mặt với dòng người tị nạn gồm 300.000 người Triều Tiên trong trường hợp xảy ra bất ổn nghiêm trọng, theo một đại diện của một cơ quan quốc tế, nhưng có thể cần phải sử dụng quân đội để “chốt chặn” biên giới.


Theo tài liệu trong các cuộc thảo luận rất nhạy cảm vào tháng 2 năm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc sau đó, Chun Yung-woo, nói với một đại sứ Mỹ, Kathleen Stephens, rằng thế hệ lãnh đạo trẻ của Trung Quốc không còn coi Triều Tiên là một đồng minh hữu ích hoặc đáng tin cậy và sẽ không ngại một cuộc xung đột mới xảy ra trên bán đảo.


Ông Chun đã được bổ nhiệm là cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Hàn Quốc. Ông từng nói, kinh tế Triều Tiên đã sụp đổ và cho rằng, chính trị sẽ sụp đổ khi Kim Jong-il qua đời, mặc dù nỗ lực của ông trong việc đảm bảo vị trí kế nhiệm cho con trai Kim Jong-un được Trung Quốc trợ giúp.


Thông tin rò rỉ dẫn lời Stephens rằng: "Dựa vào các cuộc hội đàm riêng trước thềm các cuộc đàm phán sáu bên, Chun khẳng định là, quan chức cấp cao hai bên tin tưởng, cần thống nhất hai miền dưới sự kiểm soát của Hàn Quốc”.


Quan chức hai bên, Chun nói, đã sẵn sàng “đối mặt với thực tế mới” là, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên giờ đây không còn nhiều giá trị với Trung Quốc - như một quốc gia trung lập - kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên năm 2006. Chun cho rằng, trong trường hợp nếu Triều Tiên sụp đổ, Trung Quốc rõ ràng “không hoan nghênh” bất cứ sự hiện diện nào của Mỹ ở phía bắc khu phi quân sự. Lãnh đạo Trung Quốc sẽ thoải mái hơn với một Triều Tiên thống nhất do Seoul kiểm soát và “neo” vào Mỹ trong một “liên minh ôn hòa” miễn là Hàn Quốc không có thái độ thù địch với Trung Quốc. Thương mại khổng lồ và cơ hội xuất khẩu lao động cho các công ty Trung Quốc, Chun nhấn mạnh, cũng sẽ góp phần “xoa dịu” những quan ngại của Trung Quốc về … một Triều Tiên thống nhất.


"Chun bác bỏ khả năng quân đội Trung Quốc sẽ can thiệp trong trường hợp CHDCND Triều Tiên sụp đổ, ông khẳng định rằng, các lợi ích kinh tế chiến lược của Trung Quốc giờ đây là với Mỹ, Nhật và Hàn Quốc - chứ không phải Triều Tiên”.


Chun nói với Stephens là, Trung Quốc không thể thuyết phục được Bình Nhưỡng thay đổi các chính sách, rằng Bắc Kinh “không có nhiều ảnh hưởng với Triều Tiên như mọi người tưởng”.


Một quan chức cấp cao của Trung Quốc được nhắc tới trong tài liệu mật, cũng nói rằng, ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên thường xuyên bị đánh giá quá mức.


Những căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Trung Quốc cũng được thể hiện qua một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc trong cuộc gặp tháng 4/2009 với quan chức đại sứ Mỹ sau khi Triều Tiên bắn tên lửa qua Nhật Bản vào Thái Bình Dương. Bình Nhưỡng khẳng định họ phóng vệ tinh vào quỹ đạo nhưng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật coi vụ phóng này là cuộc thử nghiệm công nghệ tên lửa tầm xa.


Theo bản tin ngoại giao mật gửi đến Washington mà Wikileads tiết lộ, cuộc thảo luận giải quyết vấn đề trên đã diễn ra ở đại sứ quán tại Bắc Kinh. Quan chức Trung Quốc cho rằng: “Triều Tiên muốn dàn xếp trực tiếp với Mỹ và vì thế hành động như “một đứa trẻ hư” để thu hút sự chú ý của “người lớn”.


Một bằng chứng khác về việc Trung Quốc ngày càng thất vọng với Bình Nhưỡng xuất hiện trong bức điện tín gửi vào tháng 6/2009 từ đại sứ Mỹ ở Kazakhstan, Richard Hoagland. Ông báo cáo rằng, người đồng cấp Trung Quốc Trình Quốc Bình đã “thực sự lo ngại về các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên. “Chúng ta cần giải quyết vấn đề này, nó rất rắc rối”, ông gọi hoạt động hạt nhân của Triều Tiên là một “mối đe dọa với an ninh toàn thế giới”.


Trình nhấn mạnh, Bắc Kinh “hy vọng về sự thống nhất hòa bình trong dài hạn, nhưng mong muốn hai nước vẫn chia tách trong ngắn hạn”, Hoagland báo cáo trong điện tín.


Trong khi một số quan chức Trung Quốc được cho là bác bỏ việc Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ sau cái chết của ông Kim, thì một bức điện tín khác gửi về Washington cho thấy, Bắc Kinh đã xem xét nguy cơ xảy ra bất ổn. Theo thông tin bị rò rỉ, một đại diện từ một cơ quan quốc tế cho hay, quan chức Trung Quốc tin là họ có thể phải “đón tiếp” 300.000 người Triều Tiên không có sự trợ giúp từ bên ngoài. Nếu họ tới “cùng một lúc”, có thể phải sử dụng quân đội để chốt biên giới, tạo ra một khu vực riêng và đáp ứng yêu cầu nhân đạo.

  • Thái An (Theo guardian)