Lương và các khoản phụ cấp của vợ tôi chừng bảy triệu đồng mỗi tháng, vậy mà cô ấy mạnh dạn chi cái tết bằng nửa năm lương.
Thật ra, 40 triệu cho một cái tết cũng không phải quá nhiều, nhưng so với lương của vợ, tôi thấy có phần quá đáng. Tôi không nghĩ một người chăm chỉ, chịu khó “nhặt bạc cắc” như cô ấy mà lại chơi sang đến vậy. Cả năm cô ấy quần quật làm việc. Nào là mang việc cơ quan về nhà làm, chia sẻ một vài mặt hàng qua Facebook, mỗi tháng kiếm thêm chừng một triệu đồng, bản thân thì ăn mặc giản dị, mau sắm tiết kiệm.
Tôi không nghĩ một người chăm chỉ, chịu khó “nhặt bạc cắc” như cô ấy mà lại chơi sang đến vậy. Ảnh minh họa |
Theo quan điểm của vợ thì tết là dịp tuyệt vời để đoàn viên; thời gian nghỉ tết dài ngày, tiện cho việc vui chơi, nghỉ ngơi, vậy nên không thoải mái với tết thì chỉ có… dại.
Vợ "chăm tết" từ ngoài ngõ chăm vào. Hoa phải chừng mười chậu mới chịu. Bánh mứt, hoa quả bàn thờ phải được tuyển chọn. Hạt dưa, bánh trái đủ loại, ăn không hết thì ra Giêng thanh lý, nhất định thà dư chứ không để thiếu. Mồi nhậu thì hoành tráng, tủ lạnh không có chỗ thở. Bia, nước ngọt đủ loại. Quần áo cho cả nhà, toàn đồ xịn. Chu đáo đến cả phong bì lì xì: hình thức phong bì phải đẹp, “nội dung” phải… xộp.
Tôi bảo, làm như ngày thường không được ăn, không được mặc, đợi đến tết mới được ăn mặc hay sao mà em sắm sửa nhiều thế, thì vợ bảo, sắm tết đâu chỉ cho chồng con, mà còn cho khách, khách tới mà nhà không có gì ra hồn, mặt mũi để đâu cho hết?
Nàng sĩ diện. Tôi nghĩ, có điên mới sĩ diện ngày tết. Tết, khách phải tranh thủ đi chúc tết, chẳng ai ngồi một nơi nhiều giờ đồng hồ, vì còn phải đi nơi khác. Chưa kể, Nghị định 100 về phạt nồng độ cồn khi tham gia giao thông ra đời, chẳng ai hồ hởi nhậu. Vậy mà nàng vác về cả chục thùng bia.
Kể ra, mua sắm tết kiểu vợ tôi thì bốn mươi triệu đồng sẽ bay vèo. Tôi chẳng phải gã đàn ông keo kiệt; tết nhất cứ để vợ tự do mua sắm, tôi chỉ dặn đúng một câu “đừng quá tiết kiện, nhưng cũng đừng quá phung phí”.
Nhưng không ngờ vợ chơi sang vậy. Đối với những ai có thu nhập khá, bốn mươi triệu chẳng là gì cả, nhưng với vợ tôi, như thế là… quá hớp. Mấy ngày tết, mà tốn bốn mươi triệu, có đáng không?
Thưởng thức mười chậu hoa trong vòng tuần lễ, rồi vứt rác, tại sao không năm chậu mà phải mười chậu mới chịu? Đồ ăn thức uống thừa mứa, mà đồ để dành thì sẽ hết ngon, chợ thì họp cả những ngày tết, sao cứ phải dự trữ? Hôm qua tôi tình cờ phát hiện bịch hạt dưa và hướng dương năm ngoái quên thanh lý, cất trong góc tủ.
Có lẽ vợ ỷ chồng làm ra tiền, nên mạnh dạn chi. Nhưng thiết nghĩ, tết chẳng cần màu mè làm gì, đón tết ấm áp, tiết kiệm mới là thượng sách, là người văn minh. Tết nào vợ tôi cũng chi sang. Năm nay đã lỡ mua sắm, nhưng tết năm tới, nhất định tôi tham gia hội ý cùng vợ.
Mọi người đừng nghĩ tôi tính toán. Tôi có thể chi năm, bảy triệu đồng cho một cuộc nhậu, sẵn sàng ủng hộ một chương trình từ thiện, hoặc tài trợ cho một chương trình ý nghĩa nào đó. Còn tết, sắm sửa vừa phải, hết đâu mua đó, tươi ngon đúng điệu, sao cứ phải dự trữ, phung phí?
(Theo Phụ nữ TP.HCM)