Cách đây hơn tuần, chàng trai sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội TikTok (gọi tắt là "TikToker") Long Chun bất ngờ chia sẻ khả năng kiếm được 1 tỷ đồng mỗi tháng từ nền tảng này. Long Chun là một trong những TikToker đình đám, hàng đầu Việt Nam hiện nay. Anh sở hữu tài khoản gần 5 triệu người theo dõi trên mạng xã hội này.
"Về thu nhập của mình, có những tháng ít thì mình kiếm vài trăm. Còn có những tháng cao điểm, nhiều công việc, có thể là mình được gần 1 tỷ. Cái đó là mình nói thật, chứ mình không có chém gió", Long Chun nói trong đoạn video đang lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.
Ngay sau video này, nhiều bình luận đã chỉ trích và cho rằng Long Chun không thể kiếm được đến số tiền đó một tháng và hoàn toàn là khoe khoang, bịa đặt. "Chưa biết giàu đến đâu nhưng khoe kiểu này thì thấy không ưa rồi", một tài khoản TikTok bình luận.
"Cô gái có râu" - một tài khoản TikTok có tiếng - đã làm riêng một video chỉ trích phát biểu liên quan đến thu nhập của Long Chun. Anh dựa vào số lượng video mà Long Chun đăng tải một tháng có yếu tố nhãn hàng và suy đoán: "Một tháng cao điểm Long Chun có thể kiếm 300-500 triệu. Con số này không được như Long Chun nói". Kéo theo tiếp tục là hàng loạt bình luận tiêu cực, chỉ trích bên dưới.
Dư luận tiếp tục bàn tán sau khi Long Chun đã đăng video phản hồi vào một hai hôm trước.
Thu nhập đến tiền tỷ là hoàn toàn có thể!
"Tôi tin Long Chun và các bạn Tiktoker có tiếng khác hoàn toàn có thể kiếm được 1 tỷ đồng một tháng", một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông đề nghị giấu tên cho hay. Theo vị chuyên gia, mức thu nhập của một nhà sản xuất nội dung trên TikTok phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như lượt theo dõi, độ nổi tiếng bên ngoài lẫn khả năng sáng tạo nội dung, khởi tạo xu hướng...
"Chẳng hạn khi booking một ngôi sao hạng A thì dù giá đăng bài trên TikTok hay Facebook thì nó vẫn cao ngất ngưởng", anh lấy ví dụ.
Anh nói thêm: "Đối với các bạn TikToker hoạt động độc lập, bảng giá chủ yếu do các bạn tự xây dựng và tự báo giá, thỏa thuận với nhãn hàng. Nguyên tắc giá của KOL nói chung và TikToker nói riêng gần như không cố định và có thể tăng lên rất nhiều. Nhất là vào mùa cao điểm chạy đua các chiến dịch".
Ngoài ra, các TikToker độc lập không phải "ăn chia" với công ty quản lý nên 100% giá trị hợp đồng sẽ vào túi của họ. "Đối với các bạn sáng tạo nội dung có công ty quản lý thì ăn chia theo tỷ lệ 6/4, 7/3 hoặc thỏa thuận khác; phần nhỏ thuộc Tiktoker.
Tuy nhiên, khi có công ty quản lý thì khả năng kiếm được hợp quảng cáo sẽ cao hơn vì công ty sẽ phải cật lực đi kiếm hợp đồng mang về để thu hồi vốn đầu tư và sinh lợi nhuận trên một KOL", anh giải thích.
Các agency quảng cáo đã quen thuộc với các TikToker nên sẽ nhanh chóng gợi ý cho nhãn hàng danh sách những nhà sáng tạo nội dung phù hợp với thông điệp và chi phí mà họ sẵn sàng bỏ ra trong chiến dịch. Vì vậy rất hiếm khi có tình huống kỳ kèo giữa agency và TikToker. "Tuy nhiên, không loại trừ một số trường hợp agency sẽ có những thỏa thuận khác với TikToker", vị chuyên gia nói tiếp.
Theo bảng giá của một TikToker mà chúng tôi có được thì chi phí booking nhà sáng tạo nội dung được chia thành rất nhiều hạng mục. Tổng của các hạng mục sẽ ra chi phí booking cuối cùng.
Các mục được liệt kê bao gồm: đăng video có kịch bản sẵn hay TikToker tự viết; kịch bản có nhắc đến nhãn hàng như thế nào; có kèm bản quyền sử dụng hình ảnh trên các kênh khác như quảng cáo báo chí, quảng cáo ngoài trời không; có phải sản xuất các dạng video phụ bên cạnh video chính không như duet (cho phép một tài khoản khác kết hợp biểu diễn trên nền video dựng trước)...
Tổng chi phí đối với TikToker này có thể lên đến 50-60 triệu đồng/bài đăng.
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)
TikTok có thực sự là mảnh đất màu mỡ để gen Z làm giàu?
Hơn 3 năm trước, Josh Richards bắt đầu tải video lên ứng dụng nổi tiếng TikTok, khi đó có tên là "Musical.ly".