Ngày 17/12, Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội nghị Cơ chế chính sách và giải pháp thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (gọi tắt là Làng Văn hoá).

Các đại biểu tập trung bàn cơ chế ưu đãi thuận lợi và tiềm năng phát triển đầu tư; giải pháp tháo gỡ khó khăn và thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa.

Quần thể rộng lớn, mãi không thu hút được đầu tư

Theo quy hoạch chung, Làng Văn hoá gồm 7 khu chức năng: Khu trung tâm thể thao, vui chơi giải trí (125,22ha), khu các làng dân tộc (198,61ha), khu di sản văn hóa thế giới (46,50ha), khu dịch vụ du lịch tổng hợp (138,89ha), khu công viên bến thuyền (341,53ha), khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô (600,9ha) và khu quản lý điều hành văn phòng (78,5ha).

Trong đó, các hạng mục Nhà nước đã đầu tư xây dựng bao gồm: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của dự án, hệ thống cây xanh, cảnh quan và khu các làng dân tộc.

4debc58331e58cbbd5f4.jpg
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ khẳng định, Làng Văn hóa có vị trí địa lý thuận lợi, diện tích mặt đất và diện tích mặt hồ thuận lợi cho đầu tư các loại hình văn hóa, thể thao, du lịch, đặc biệt các khu vui chơi giải trí. Quan trọng hơn, Làng Văn hóa là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa, nơi bảo tồn, phát huy giá trị di sản của cộng đồng dân tộc các địa phương.

"Đó là những điều kiện thuận lợi để đầu tư, kết nối và mở ra rất nhiều hoạt động mới tại Làng Văn hóa", Thứ trưởng khẳng định. 

Theo bà Thuỷ, thời gian qua Làng Văn hoá đã nỗ lực phát triển trên tinh thần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc. Việc huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng Làng Văn hoá đã được các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm và đã có các công trình, hoạt động rất cụ thể.

Tuy nhiên, sự đầu tư đó chưa xứng tầm với quy mô của Làng Văn hoá. Bà Thuỷ mong các đại biểu tại hội nghị, doanh nghiệp sẽ hiến kế cho Bộ VHTTDL, để vừa bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, vừa thực sự trở thành thiết chế văn hóa quốc gia hiện đại, quy mô, đảm bảo phát triển bền vững.

422186119_863139989155228_121685.jpg

Vướng mắc lớn nhất là cơ chế

Theo ý kiến của một số đại biểu, vướng mắc trong kêu gọi đầu tư vào Làng Văn hóa là thẩm quyền của Làng chưa được quy định rõ, dẫn đến việc phối hợp chưa rõ ràng. Theo đó, cần sớm ban hành các quy chế về đầu tư vào Làng Văn hóa; đồng thời quy định chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của BQL Làng Văn hóa, có thẩm quyền đến đâu, như thế nào? Làng Văn hóa cũng cần quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả hơn.

Ông Trịnh Ngọc Chung - Quyền Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa cho biết, đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư nhưng đến nay chưa có dự án nào được triển khai. 

Ông Chung cho biết, theo Quyết định 540/QĐ-TTg ngày 12/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đến năm 2015, quan điểm đầu tư phát triển được xác định "Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một mô hình khu kinh tế - văn hóa đặc thù, trong đó văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu".

Vì thế, ông Chung đề xuất, Làng Văn hoá được áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư như khu kinh tế đối với các khu chức năng. Điều này nhằm thúc đẩy lợi thế kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các khu chức năng.

Ảnh: Làng Văn hoá