- Thêm một hội thảo quốc tế về Biển Đông được tổ chức, lần này do trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Konrad Adenauer (CHLB Đức), trong hai ngày 9-10/10.
>>
Hội thảo
quốc tế về Biển Đông ở TP.HCM
>>
Làm rõ ý đồ, hành vi của TQ ở Biển Đông
Hội thảo "Tranh chấp ở Biển Đông: Tác động và các hướng tiếp cận hòa bình, hợp tác" được tổ chức trong bối cảnh Trung Quốc vừa rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong khi Hoa Kỳ đang đẩy mạnh chiến lược xoay trục hướng về châu Á còn ASEAN đang gấp rút hoàn thành mục tiêu xây dựng cộng đồng vào năm 2015.
Ảnh: Chung Hoàng |
Hội thảo quy tụ các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Hoa Kỳ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines như GS.TS. David Arase (Trung tâm John Hopkins - Nam Kinh, ĐH Nam Kinh, TQ), ông Christopher Sieler (chuyên gia về chính sách đối ngoại TQ), TS. Shafiah F. Muhibat (Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược CSIS), GS Francisco Nemenzo (ĐH Philippines) và các chuyên gia Việt Nam như TS. Trần Công Trục (nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ), PGS. TS. Nguyễn Bá Diến (Trung tâm luật Biển và Hàng hải), PGS. TS Phạm Xuân Hằng và GS.TS. Trần Ngọc Vương (ĐH KHXH&NV), PGS.TSKH. Trần Khánh (Viện nghiên cứu Đông Nam Á)...
Các học giả tập trung đánh giá tác động đa chiều của tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, từ đó đề xuất các giải pháp theo hướng hòa bình, hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Với mục đích đẩy mạnh tiếng nói quan trọng của giới học giả, của "ngoại giao kênh 2", hội thảo tập trung thảo luận các chủ đề Biển Đông trong cán cân quyền lực Mỹ - Trung, tranh chấp lãnh thổ Biển Đông trong bối cảnh luật pháp quốc tế, vai trò của ASEAN trong ngăn ngừa xung đột đang leo thang ở Biển Đông...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Thực tiễn cho thấy, trước những tranh chấp lãnh thổ, các nhà khoa học đã đóng vai trò cung cấp luận cứ khoa học, đưa ra các lý lẽ xác thực nhằm đấu tranh hoà bình để bảo vệ chân lý, lẽ phải, đồng thời cũng tránh cho các khu vực rơi vào xung đột tiềm ẩn nhiều nguy hiểm".
Việc tổ chức hội thảo quốc tế “Tranh chấp ở Biển Đông: Tác động và các hướng tiếp cận hoà bình, hợp tác”, nơi mà các học giả có thể chia sẻ nhận thức, thảo luận và trao đổi học thuật, cũng là một trong những nỗ lực góp phần vào hoà bình và an ninh trong khu vực.
Chung Hoàng