Những đồ uống có cồn

Theo trang tin NPR, Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) đã từng gây áp lực buộc nước chủ nhà World Cup 2014 là Brazil phải thay đổi luật để cho phép các tiệm tạp hóa trong sân vận động bán đồ uống có cồn. Thậm chí, Tổng thư ký FIFA khi đó là Jerome Valcke từng tuyên bố rằng những thức uống có cồn “là điều mà lãnh đạo FIFA sẽ không thương lượng”.

Ảnh: AP

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi tại kỳ World Cup ở Qatar năm nay khi khán giả sẽ không được mang đồ uống có cồn vào sân vận động tổ chức các trận đấu. Dù vậy, người hâm mộ bóng đá vẫn có thể uống rượu bia tại những khu vực phục vụ riêng hoặc các nhà hàng, quán bar hay khách sạn có giấy phép nằm trải khắp quốc gia Trung Đông này. 

Luật pháp Qatar quy định, việc uống rượu tại nơi công cộng ở nước này là bất hợp pháp và người vi phạm có thể ngồi tù 6 tháng và bị phạt 800 USD. Với những người thực hiện hành vi buôn lậu rượu, án phạt tù sẽ lên tới 3 năm. 

Người hâm mộ đối mặt với những luật cấm về tôn giáo 

Chính quyền Qatar cho biết, Hồi giáo là tôn giáo chính thức ở Qatar nên bất kỳ cá nhân bị phát hiện có hành vi tuyên truyền tôn giáo khác hoặc chỉ trích đạo Hồi sẽ bị truy cứu hình sự.

“Tất nhiên, chúng tôi vẫn cho phép những người thuộc các tôn giáo khác được thực hiện hành vi tín ngưỡng ở một số khu vực đặc biệt như Khu liên hợp tôn giáo tại thành phố Doha”, thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Qatar viết.

Theo Bộ Ngoại giao Qatar, ngoài lệnh cấm du khách mang đồ uống có cồn hoặc vật phẩm đồi trụy, “thì các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn cũng nằm trong danh sách cấm”. 

Ngôn luận tại nơi công cộng ở Qatar bị hạn chế

Theo NPR, những cá nhân công khai chỉ trích Chính phủ Qatar có thể sẽ bị lực lượng an ninh nước này bắt giữ, bất kể đó là những lời nói hay bài đăng trên mạng xã hội.

Người hâm mộ có mặt ở sân vận động Ahmad Bin Ali tại Qatar hôm 21/11. Ảnh: AP

“Trong khi các kỳ World Cup trước đây xảy ra tình trạng đám đông cổ động viên la hét hay hát những lời ca tục tĩu nhằm vào nhau, thì những hành động đó khi diễn ra ở Qatar sẽ khiến người hâm mộ bóng đá gặp rắc rối lớn. Chẳng hạn, những cuộc tranh cãi hoặc xúc phạm người khác ở nơi công cộng có thể khiến những người vi phạm bị bắt giữ”, Bộ Ngoại giao Qatar cho hay.

Tình dục và nhiều vấn đề xã hội khác

Theo Bộ Ngoại giao Qatar, xu hướng đồng tính ở nước này “đã bị hình sự hóa”.

“Ngoài ra, du khách tới Qatar để xem các trận đấu World Cup 2022 sẽ bị phạt nặng nếu thực hiện những hành vi đồi bại hoặc quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Các hành vi đó sẽ lần lượt lĩnh các mức án như phạt tiền hoặc phạt tù 6 tháng với những ai bị phát hiện có hành vi trái đạo đức ở nơi công cộng. Với những người phát sinh quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, thì họ sẽ lĩnh mức án 7 năm tù”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Qatar viết.

Người hâm mộ cần mặc quần áo che kín thân thể 

Bởi thời tiết Qatar vào mùa hè rất nóng, nên kỳ World Cup năm nay đã được FIFA và chính quyền nước chủ nhà cho dời sang mùa đông. Dù vậy, người hâm mộ bóng đá vẫn phải tuân thủ các quy định về trang phục khi tới đây xem đá bóng.

“Các luật lệ về trang phục nơi công cộng quy định quần áo của nam giới lẫn phụ nữ phải che các bộ phận trên cơ thể như vai, ngực, bụng và đầu gối, đồng thời quần bó sát phải được che bằng áo dài hoặc váy. Những tiêu chuẩn về trang phục có thể sẽ khác biệt tùy theo khu vực, bởi một số nơi sẽ yêu cầu du khách phải đeo khẩu trang như biện pháp giảm thiểu lây lan dịch Covid-19”, thông cáo từ Bộ Ngoại giao Qatar cho hay.