Có 1 thực tế ở thị trường tiêu dùng Việt Nam là khi có thông tin một sản phẩm nào đó bị làm bẩn là ngay lập tức người tiêu dùng né tránh, thậm chí là tẩy chay các sản phẩm cùng loại ngay cả khi sản phẩm đó chưa từng bị phát hiện làm bẩn.

Thời gian gần đây, vụ việc bim bim bẩn trên thị trường lại là một ví dụ cho thấy tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam rất cần được điều chỉnh. Khuyến cáo của các đơn vị chức năng là không ai khác mà chính người tiêu dùng sẽ điều chỉnh được tâm lý và hành vi tiêu dùng của mình bằng việc trang bị những kiến thức đúng về tiêu dùng. Đây cũng là cách để người tiêu dùng tự bảo vệ mình và giữ ổn định thị trường.

"Oan" sản phẩm chất lượng

Cửa hàng nhà chị Lợi nằm ngay gần một trường tiểu học. Bim bim, snack là những mặt hàng bán chạy nhất, nhưng nhiều tuần nay, lượng bim bim tiêu thụ đã giảm đi một nửa, do người dân dè chừng khi nghe thông tin cảnh báo về vụ việc phát hiện cơ sở sản xuất bim bim, snack bẩn. “Những thông tin như thế, thật ra không đúng bởi vì nó chỉ là một số những bim bim trôi nổi trên thị trường. Những người bán hàng như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.”, chị Nguyễn Thị Lợi – người bán hàng chia sẻ.

Cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ, các phương tiện truyền thông cảnh báo cho người dân, cũng như răn đe các cơ sở sản xuất làm ăn bất chính. Đây là việc làm cần thiết. Tuy nhiên đôi khi sự phản ứng quá mức của một bộ phận người tiêu dùng lại vô tình tạo nên tâm lý tẩy chay tất cả những sản phẩm cùng loại. Điều này đã gây ra sự bất ổn định của thị trường.Các doanh nghiệp chân chính không bán được hàng, và ngay cả những người tiêu dùng cũng phải chịu thiệt thòi, vì đã tự loại bỏ khỏi giỏ hàng một sản phẩm mà con trẻ rất yêu thích.

nh minh họa
“Những sản phẩm đang lưu hành, được sản xuất trong nước hay nhập khẩu, có tem nhãn đầy đủ bằng tiếng việt là những sản phẩm đã được kiểm soát, đã được các cơ quan quản lý công nhận. Những sản phẩm có nhãn nhưng không có tiếng việt, chỉ có tiếng nước ngoài là những sản phẩm hoàn toàn nhập lậu, mà chưa qua các cơ quan quản lý. Cho nên, các bậc phụ huynh hoặc các cháu khi mua hàng ở cổng trường hoặc những chỗ khác có thể lưu ý những điểm này.”, ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh Thực phẩm – Bộ Y Tế cho biết.

Lãnh đạo Cuc Vệ sinh An toàn Thực phẩm cũng cho rằng, các loại snack được dán nhãn đơn vị sản xuất và ghi đầy đủ các chỉ số nguyên liệu trên bao bì là những sản phẩm đã được các cơ quan chức năng chứng thực an toàn. Và trên thực tế, các loại snack được sản xuất trên dây chuyền tiêu chuẩn phải tuân thủ 1 quy trình rất ngặt nghèo. Để được đưa ra thị trường, thì sản phẩm phải đáp ứng được rất nhiều các chỉ số, tiêu chí khác nhau của nhà sản xuất cũng như của các cơ quan kiểm soát chất lượng.

“Điều kiện sản xuất snack là rất khắt khe, theo tiêu chuẩn ISO 22000 về kiểm soát vệ sinh an toàn trong quá trình sản xuất. Và sản phẩm đầu ra được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn HACCP – là hệ thống kiểm soát các mối nguy hiểm và rủi ro cho an toàn thực phẩm cho suốt quá trình chế biến. Vì vậy các sản phẩm này đáp ứng toàn bộ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn của nhà nước Việt Nam.”, ông Richard Kaiser, Tổng Giám Đốc ngành hàng thực phẩm công ty Pepsico Việt Nam cho biết.

NTD cần tự trang bị kiến thức mua sắm

Phát hiện, cảnh báo tới người tiêu dùng về hành vi sản xuất  kinh doanh gian lận chỉ là những vụ việc cụ thể đối với các sản phẩm cụ thể. Điều quan trọng là người tiêu dùng cần tự trang bị những kiến thức mua sắm để không bao giờ bị động và dễ dàng lung lay trước những thông tin gây nhiễu trên thị trường.

Tuân thủ những nguyên tắc khi lựa chọn thực phẩm như đọc kĩ các thông số ghi trên bao bì về nhà sản xuất, ngày sử dụng… luôn là khuyến cáo của các cơ quan chức năng dành cho người tiêu dùng. Nguyên tắc này đôi khi cần được sử dụng như một thói quen vì việc này tốt hơn rất nhiều với việc cứ nghe thông tin về một loại sản phẩm nào đó bị làm bẩn thì người tiêu dùng lại quay lung, tẩy chay với tất cả những sản phẩm cùng loại. Tâm lý này của một bộ phận người tiêu dung đôi khi đã tước đi chính quyền lợi của họ khi lựa chọn các loại sản phẩm mà mình yêu thích.

Trước đó, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản bác tin đồn có đỉa và vật lạ trong bánh snack. Theo đó, sản phẩm snack có tên là Yoyo sản xuất tại Đức Sở (Hoài Đức, Hà Nội) bị nghi có đỉa khi được mua và sử dụng ở Thừa Thiên - Huế.

Thanh tra Sở Y tế Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thừa Thiên - Huế kiểm tra, kết quả không phát hiện ấu trùng và đỉa trong mẫu snack và mẫu nước ngâm sản phẩm.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng tiếp tục bác tin đồn có đỉa trong sữa. Theo cục này, với sản phẩm được xử lý ở nhiệt độ trên 140OC thì không có loại ấu trùng, côn trùng, ký sinh trùng nào tồn tại được. Đây là lần thứ hai trong một tháng qua, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có văn bản bác tin đồn có đỉa trong thực phẩm.

(Theo Tuổi Trẻ & VTV1)